Ngày 6/3/2024 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) đã tổ chức gặp mặt nhà đầu tư để thông tin về kết quả kinh doanh và động lực tăng trưởng năm 2024.
Trao đổi với nhà đầu tư, bên cạnh những nội dung về kế hoạch kinh doanh 2024, ngay cả các vấn đề mà nhiều ngân hàng khác thường cho là “nhạy cảm” với hoạt động cũng được lãnh đạo MB thẳng thắn chia sẻ, không né tránh.
Nói về năm 2023, lãnh đạo MB cho biết năm vừa qua là một năm khó khăn với nền kinh tế, nhưng MB vẫn đạt kết quả tích cực, nằm trong nhóm 3 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, chỉ sau Vietcombank và BIDV. Không chỉ vượt VietinBank, Agribank (trong nhóm Big4) mà MB còn đang tạo khoảng cách khá xa với các ngân hàng cổ phần khác trong hệ thống. Tổng số lượng khách hàng mới đến với MB năm qua đạt hơn 6 triệu, là năm thứ 3 liên tiếp đạt con số trên 6 triệu khách hàng mới mỗi năm, nâng tổng số lượng khách hàng phục vụ tại thời điểm cuối năm 2023 lên đến hơn 26 triệu người. Các công ty thành viên của MB Group cũng kinh doanh hiệu quả và giữ vững thị phần trên thị trường.
Về năm 2024, MB có góc nhìn khá lạc quan trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục. Chủ tịch MB đánh giá giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua (rơi vào quý 3 năm ngoái).
Với riêng MB, Ngân hàng xác định sẽ tiếp tục tăng trưởng với 3 động lực vững chắc đó là bán lẻ; chuyển đổi số và hiệp lực tập đoàn – tất cả MB đều đang có thế mạnh. Ông Lưu Trung Thái, chủ tịch MB khẳng định, nhà băng này sẽ chinh phục mốc 30 triệu khách hàng trước thềm sinh nhật 30 tuổi (vào tháng 11/2024). Hiện MB là ngân hàng dẫn đầu về số hóa, giao dịch trên kênh số chiếm tới 97%, tương đương các ngân hàng top đầu châu Á. MB xác định các nền tảng số sẽ chiếm khoảng 50-60% doanh thu cho ngân hàng trong tương lai gần. Song song đó, MB cũng sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ESG để đảm bảo phát triển bền vững. Hiện MB đang nằm trong top đầu các ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh lớn nhất.
Chủ tịch MB Lưu Trung Thái
Không chỉ nói về động lực tăng trưởng và triển vọng của MB, mà tại sự kiện, chủ tịch Lưu Trung Thái và các thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành MB cũng đã trả lời rất nhiều câu hỏi của nhà đầu tư về phát triển các công ty con (đặc biệt là mảng bảo hiểm, vấn đề tìm đối tác chiến lược); về phát hành cổ phần ưu đãi cho Viettel, SCIC, về tình hình kinh doanh của Ngân hàng ở khu vực phía Nam…
Đáng chú ý, bên cạnh những nội dung về kế hoạch kinh doanh thì ngay cả các vấn đề mà ngân hàng khác thường “né tránh” vì cho là “nhạy cảm” với hoạt động cũng được lãnh đạo MB giải đáp. Có thể kể đến như nợ xấu vì sao tăng, dự phòng rủi ro bao nợ xấu giảm; xếp loại nợ của các nhóm khách hàng là những “ông lớn” bất động sản gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua; về mối quan hệ tín dụng với Vinfast; về câu chuyện nhận tái cơ cấu “ngân hàng 0 đồng” khi nào triển khai; về cổ phiếu, cổ phần. Thậm chí MB cũng không ngại so sánh trực diện với các nhà băng khác để nhà đầu tư hiểu rõ hơn về Ngân hàng.
Tại sự kiện, lãnh đạo MB cũng nói về lợi thế của nhà băng này trên thị trường. Theo ông Đàm Nhân Đức, Tiến sĩ, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Quân đội, MB có những sự khác biệt rõ rệt với các ngân hàng trong hệ thống đó là dẫn đầu về chuyển đổi số, về tỷ lệ CASA, về mảng bán lẻ… và đặc biệt là khát vọng “chiến đấu”, lại có thêm tinh thần đổi mới và sáng tạo trong mỗi người MB.
“Điều này xuất phát từ lịch sử hình thành của MB, các lãnh đạo của Ngân hàng đều có cá tính mạnh, quyết tâm. Người MB đã nói là làm, mà đã làm là phải được. Chính sự quyết tâm đó, “gen” trong con người MB đã giúp MB tăng trưởng nhanh và vững trong giai đoạn vừa qua cũng như thời gian tới” – ông Đức nói thêm.
Tiến sĩ Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng MB
Được biết năm 2024 MB đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng ít nhất 10% (tương đương hơn 28.800 tỷ đồng); tăng trưởng tín dụng 16% (và lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng sẽ đạt cao hơn mức cho phép của NHNN); huy động vốn tăng 12%. Ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức cho cổ đông nhưng con số cụ thể thế nào thì sẽ được thông báo sau, có thể tại Đại hội cổ đông thường niên vào ngày 19/4 tới.
MB Bank