Đây là quan điểm được ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ tại buổi gặp mặt đầu năm của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA). Ông Bình hiện cũng nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập hiệp hội này.
Theo Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, đây là thời điểm thế giới chọn Việt Nam để làm mắt xích mới trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Do vậy, Việt Nam đang đứng trước một ngã ba đường.
“Hoặc là cứ đi tiếp và không rõ con cháu chúng ta sẽ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không, hoặc chúng ta quyết liệt rẽ để Việt Nam đứng trong hàng ngũ các dân tộc tiên tiến nhất thế giới”, ông Trương Gia Bình nhận định.
Chia sẻ thêm về câu chuyện này, ông Trương Gia Bình cho hay, bán dẫn là ngành công nghiệp đặc biệt bởi đã góp phần xác định trật tự thế giới ngày nay.
Những năm 60 của thế kỷ trước, Nhật Bản từng đi đầu thế giới về chip, tuy nhiên trước sức ép của Mỹ, Nhật đã phải nhường lại sân chơi này. Sau đó, Mỹ chọn giúp Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) phát triển ngành chip, để đến hiện nay, đây là hai nơi sản xuất hầu hết chip trên thế giới.
Theo ông Trương Gia Bình, địa chính trị lại đang một lần nữa xoay vần. Do quá tập trung vào một vài khu vực, chuỗi cung ứng chip toàn cầu đứng trước nhiều rủi ro. Vì thế, Việt Nam đang có cơ hội trở thành một thành viên mới trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, các hãng bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc) không chọn Việt Nam làm cứ điểm bởi họ đã khảo sát và nhận thấy nguồn nhân lực về bán dẫn của nước ta còn khiêm tốn.
Nhân lực bán dẫn đang thiếu hụt trên toàn cầu. “Cơn khát” này càng khó giải hơn khi Mỹ gây sức ép khiến các công ty outsourcing (gia công) chip rời khỏi Trung Quốc. Trong khi, với nhiều công ty bán dẫn, phần lớn nhân sự của họ lại ở quốc gia này.
Theo Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, đây chính là cơ hội của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Để thuyết phục thế giới tin vào mình thay vì nhìn vào những thứ đang có sẵn, các doanh nghiệp công nghệ trong nước cần phải có khát vọng, phải vẽ ra được tương lai.
Thông thường, các nước khác phải mất 18 tháng để chuyển một kỹ sư viết phần mềm sang thành kỹ sư thiết kế chip. Tuy nhiên, nếu thiết kế chi tiết đã được phân khu sẵn, các kỹ sư phần mềm Việt có thể chuyển đổi sang làm chip trong vòng 3 tháng, sau đó chia nhỏ việc ra để vừa học vừa làm.
Nếu tiếp cận theo cách này, các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam có thể chuyển rất nhanh sang thiết kế chip outsourcing. Qua quá trình đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ có thể tích lũy, rồi tiến tới việc tự làm ra các con chip hoàn toàn mới hoặc làm ra các con chip cũ với giá rẻ.
Khảo sát của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam cho thấy, hiện có rất nhiều người Việt đang làm trong lĩnh vực bán dẫn, ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, có cả những công ty danh tiếng trong ngành bán dẫn như Qualcomm, Amkor hay Texas Instruments. Mức thu nhập của những người này vào khoảng 100.000 – 300.000 USD.
Theo ông Trương Gia Bình, qua tiếp xúc, nhiều người Việt ở Mỹ sẵn sàng từ bỏ các hãng lớn để về Việt Nam làm việc. Đây sẽ là nguồn bổ sung nhân lực quan trọng cho ngành bán dẫn Việt Nam ở cả khía cạnh nghiên cứu, phát triển và đào tạo.
Nhận thấy công nghiệp bán dẫn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam vừa ra mắt Ủy ban Công nghiệp bán dẫn Việt Nam nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành phát triển.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ủy ban này là tập hợp lực lượng các chuyên gia người Việt đang làm chip trên toàn cầu để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng, tham gia vào công cuộc phát triển ngành bán dẫn trong nước.