Tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao lần này có 17 sản phẩm của 3 chủ thể đang sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, điển hình như: Khô tôm đất, khô tôm thẻ, muối tôm, chả lụa, tổ yến… Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đều được công nhận lại sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Đặng Minh Pháp, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua 4 năm, chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp và đạt được hiệu quả cao, tạo luồng gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Các sản phẩm OCOP ngày càng nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm OCOP. Qua thống kê cho thấy sau khi được công nhận, sản lượng sản phẩm OCOP, lượng hàng hóa tiêu thụ gia tăng bình quân từ 10-20% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối, quảng bá, chấp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa.
Qua hơn 04 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự ủng hộ của người dân và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp, Hợp tác xã, đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 130 sản phẩm OCOP (trong đó có 33 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao), góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đặc trưng của tỉnh; đồng thời, mở rộng quảng bá, nâng cao thu nhập cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP.
Chủ tịch Bạc Liêu lưu ý cần hạn chế thấp nhất tình trạng trùng lặp sản phẩm, cần nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm “mới lạ, độc đáo” để làm tăng giá trị kết tinh vào sản phẩm, giúp sản phẩm cạnh tranh và đứng vững trên thị trường trong thời gian tới.