(HNNN) – Năm nay, hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, mưa lớn cục bộ gây lũ lụt, ngập úng… được dự báo xuất hiện nhiều, khó lường hơn những năm trước. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các địa phương, cơ quan có liên quan của thành phố đã và đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa:
Nhận diện nguy cơ, sẵn sàng ứng phó với lũ rừng ngang
Chương Mỹ là một trong những “rốn lũ” của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, phần lớn trạm bơm hiện có chưa đáp ứng năng lực tiêu úng khi xảy ra mưa lớn hơn 250mm. Nhiều tuyến kênh tiêu bị sạt lở, bồi lắng, xuống cấp. Nhiều tuyến đê chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu cao trình chống lũ theo quy hoạch. Hệ thống cấp điện thường xuyên xảy ra sự cố khi mưa lớn, ngập lụt…
Nhận diện rõ rủi ro thiên tai trên địa bàn, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, xác định những khu vực nguy hiểm như ven sông, vùng trũng, thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất, khu vực chịu tác động của lũ rừng ngang, lũ quét; xây dựng phương án, chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm từ trước khi thiên tai xảy ra.
Các xã, thị trấn cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai; kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó với sự cố, thiên tai tại gia đình mình và tích cực tham gia công tác phòng, chống nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn:
“4 tại chỗ” bảo vệ khu vực trọng điểm, xung yếu
Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, cơ quan chức năng xác định trên địa bàn Phúc Thọ còn 3 khu vực đê điều trọng điểm, xung yếu, đó là đê tả Tích (đoạn từ điếm Tổng, xã Tích Giang đến giáp xã Cẩm Yên), đê hữu Hồng và cống Cẩm Đình.
Để bảo đảm an toàn các tuyến đê, huyện thành lập 2 đại đội xung kích tập trung gồm 300 người làm nhiệm vụ hộ đê, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các xã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư, bảo đảm mỗi điếm canh đê có 5m3 cát, 5m3 đá, 100 bao tải, 50kg rơm, 10m2 phên nứa, 10 cây tre… Đồng thời, mỗi xã phải dự trữ 2.000 bao tải, 1.000kg rơm, 100m2 phên nứa, 200 cây tre, 3.000kg rong tre, 2.000m3 đất… Mỗi gia đình chuẩn bị 5 bao tải đất, 5 cọc tre dài 1,5 – 2m, đường kính 6 – 8cm.
Bên cạnh đó, các xã thành lập đội tuần tra, canh gác, bảo vệ đê với số lượng từ 12 đến 18 người thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1-6 đến 31-10… Huyện Phúc Thọ chỉ đạo các xã tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn phát sinh, xử lý dứt điểm vụ việc vi phạm pháp luật đê điều; thường xuyên kiểm tra khu vực đê điều trọng điểm, xung yếu; tổ chức tập huấn, thực hành kỹ năng phát hiện, xử lý sự cố đê điều…
Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 3 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) Đinh Tiến Hoàng:
Kịp thời tiêu úng đô thị
oàng Mai có địa hình thấp trũng, nơi nước thải, nước mưa của các quận dồn về. Xí nghiệp Thoát nước số 3 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) là đơn vị chủ lực quản lý, vận hành hệ thống thoát nước đô thị của thành phố Hà Nội.
Để tiêu thoát nước nhanh, rút ngắn thời gian úng ngập, giảm thiệt hại, Xí nghiệp đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận và 14 phường của quận Hoàng Mai rà soát các điểm có khả năng úng ngập, đọng nước; xây dựng phương án phòng, chống úng ngập theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ)…
Hiện Xí nghiệp đã hoàn thành công tác sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị các trạm bơm: Trần Phú, Yên Sở; nạo vét trục tiêu thoát chính và trọng điểm úng ngập trên các tuyến đường, phố: Giải Phóng, Nguyễn Đức Cảnh, Lương Đức Thiện, Vành đai 3; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, bảo đảm vận hành an toàn công trình thoát nước trong suốt mùa mưa bão…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông:
Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyân của cả hệ thống chnh trị
Huyện Ba Vì xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, úng ngập… đến từng thôn, xã theo phương châm “3 sẵn sàng”, “4 tại chỗ” và “5 không” để cán bộ, nhân dân có ý thức chủ động phòng tránh. Trong kế hoạch, các cơ quan, đơn vị phải phân loại và thống kê cụ thể số hộ, số khẩu sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, úng ngập… để kịp thời di dời khi xảy ra các tình huống khẩn cấp.
Các cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát công trình, nhà cửa, kho tàng, công trình công cộng để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng… Các cơ quan, đơn vị phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng phương án sơ tán, bảo đảm đời sống, an ninh, trật tự, giao thông khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ trên địa bàn huyện; tổ chức huy động, sử dụng hiệu quả lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố, thiên tai…