(BLC) -Thời gian gần đây, các loại sâu bệnh gây hại lúa có xu hướng phát triển mạnh, diễn biến sâu bệnh tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và bà con nông dân trên địa bàn thành phố Lai Châu đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kịp thời ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại lúa.
Vụ mùa năm nay, các xã, phường trên địa bàn thành phố Lai Châu gieo cấy khoảng 510ha lúa, chủ yếu là các giống tẻ râu, tạp giao, nghi hương. Lúa đang trong thời kỳ làm đòng, trổ bông.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố, diện tích lúa nhiễm sâu bệnh khoảng 10ha (trong đó diện tích nhiễm nặng 7ha). Sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác trên toàn bộ diện tích, mật độ gây hại trung bình 8-10 con/m2; cao 20-25 con/m2, cục bộ 30-40 con/m2. Dự báo sâu non lứa mới, gây hại từ giữa – cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn tỷ lệ hại trung bình 2,5%, cao 8,5% lá, cục bộ 15-20%. Bệnh đạo ôn lá, gây hại chủ yếu trên các giống nghi hương 305, lúa tẻ râu, tỷ lệ hại trung bình 3,5%, cao 10,5%, cục bộ 15%.
Những vạt lúa bị bạc lá do bị sâu cuốn lá.
Sâu bệnh xuất hiện tại các xã Sùng Phài, San Thàng và các phường Đoàn Kết, Đông Phong. Nguyên nhân được xác định do thời tiết diễn biễn phức tạp có mưa, nắng xen kẽ, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, bà con phun thuốc chậm, không đồng loạt dẫn đến khó kiểm soát sự lây lan của sâu bệnh.
Những năm trước, gia đình chị Vàng Thị Mẩy ở bản Thành Lập (phường Đoàn Kết) cấy giống lúa lai chất lượng cao, lúa lên xanh tốt, chị Mẩy vui mừng, mong được mùa bù đắp nhọc nhằn một nắng hai sương. Nhưng gần đây, toàn bộ diện tích lúa bị nhiễm bệnh khiến chị lo lắng mất ăn mất ngủ. Chị Mẩy chia sẻ: Hiện nay, cây lúa đang đứng cái làm đòng nhưng sâu bệnh phát triển nhanh, nếu không kịp thời phòng chống, khó tránh khỏi nguy cơ mất mùa. Do đó, gia đình tôi đã khẩn trương phun thuốc bảo vệ thực vật với hy vọng kết quả sẽ khả quan hơn.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố hướng dẫn người dân phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.
Vụ mùa này, xã Sùng Phài gieo cấy khoảng 400ha lúa, hiện nay các khu ruộng lúa đều đã làm đòng; nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Tranh thủ lúc trời vừa tạnh ráo sau những ngày mưa, chị Má Thị Ganh ở bản Gia Khâu 2 (xã Sùng Phài) ra đồng kiểm tra tình hình phát triển của cây lúa. Chị Ganh tâm sự: Cây lúa là nguồn thu chủ yếu của gia đình tôi, khi diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh tôi rất lo lắng. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, mấy hôm trước gia đình tôi đã phun thuốc trừ sâu bệnh nhưng lại gặp mưa kéo dài nên tôi ra đồng kiểm tra lại để có hướng xử lý kịp thời.
Anh Đào Mạnh Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố cho biết: Để kịp thời ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, tránh lây lan trên diện rộng và giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên diện tích lúa mùa năm 2023, chúng tôi đã tuyên truyền hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn lá hại lúa vụ mùa như kiểm tra vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại quanh bờ, bón phân cân đối và đúng giai đoạn sinh trưởng. Tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh không dây.
Bà con nông dân tích cực phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh sâu cuốn lá nhỏ như: Cydansuper 250EC; Abagent 500WP; G8-thôn trang 96WG; Emacarb 75EC; Map Permethrin 50EC; Chlorferan 240SC; Pompom 11.6WG. Đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn dùng các loại thuốc như: Rorai 21WP, Basu 250WP, Atanil 250WP, physan 20SL, Avalon 8WP, Totan 200WP. Bệnh đạo ôn lá sử dụng các loại thuốc Bump650wp, FamycinUSA100WP, Daconil 75WP, Frothane 80WP.
Đồng hành với người dân dập dịch, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố khuyến cáo, bà con không bón thừa đạm để cây lá xanh tốt, lá mềm thu hút sâu đến đẻ trứng gây hại mạnh hơn. Ngoài ra, cần chú ý đối với các bệnh bạc lá, khô vằn phát sinh gây hại trong thời gian tới, nếu kiểm tra thấy bệnh gây hại trong điều kiện khí hậu môi trường thuận lợi, mưa rào, độ ẩm không khí cao hoặc tỷ lệ bệnh 10% lá, nhánh thì cần sử dụng thuốc hoá học để phòng trừ.
Hy vọng với sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân cùng cơ quan chuyên môn, công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa sẽ đạt kết quả cao, vụ mùa năm 2023 sẽ thu về năng suất, sản lượng như mong đợi.