Chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi

Việt NamViệt Nam14/02/2025


(QBĐT) - Chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, thời gian qua, trên địa bàn Quảng Bình nhiệt độ giảm sâu, rét đậm, ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng với các địa phương đã hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp chống rét, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.

 

Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh xuống thấp. Nhất là ở địa bàn khu vực miền núi, nhiệt độ thường xuống thấp hơn khu vực đồng bằng nên ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

 

Huyện Tuyên Hóa có trên 15.000 con trâu, bò; 27.985 con lợn và 4.086 con dê. Để chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi, ngay từ đầu mùa đông, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã thường xuyên thông tin về tình hình thời tiết đến nhân dân qua hệ thống loa truyền thanh của xã, bản; vận động người dân không thả rông vật nuôi trong những ngày giá rét.

Người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) cho trâu ăn thêm cỏ khi thời tiết xuống thấp.
Người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) cho trâu ăn thêm cỏ khi thời tiết xuống thấp.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, bảo đảm cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; nhân rộng diện tích trồng cỏ. Huyện khuyến cáo người dân không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại khi nhiệt độ xuống dưới 12oC…; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi…

 

Gia đình ông Trần Xuân Phượng, thôn Tân Sơn, xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa) có 7 con bò được chăn thả trên đồi. Được sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, hàng năm ông tích cực trồng thêm cỏ, trữ rơm khô, cây lạc khô để chống đói, rét cho đàn bò vào mùa đông. Khi có thông báo rét đậm, rét hại thì ông cho bò về chuồng, dùng rơm khô, cỏ tươi để cho ăn, đồng thời, che chắn xung quanh, rải rơm trên nền để giữ ấm cho đàn bò.

 

Ông Phượng cho biết, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên nguồn thức ăn cho đàn bò luôn dồi dào, gia đình cũng chủ động mua bạt quây kín chuồng trại, chắn gió cho vật nuôi. Vào những ngày giá rét, gia đình còn đốt củi, hun trấu ở khu vực chuồng trại để tăng nhiệt độ nơi khu vực vật nuôi sống. Chính vì vậy, qua các đợt rét đậm vừa qua, đàn bò nhà tôi vẫn an toàn, khỏe mạnh.

 

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa Phạm Anh Minh, cho biết: Đơn vị đã cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp che chắn gió, giữ ấm cho gia súc trong các đợt rét đậm, rét hại diễn ra trong mùa đông năm nay. Ngoài việc cho gia cầm ăn đủ bữa, đủ số lượng, đủ chất thì huyện cũng đã hướng dẫn người dân phải cung cấp đầy đủ nước ấm, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng đề kháng cho gia cầm. Huyện cũng hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh định kỳ bằng các loại hóa chất thông dụng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo đúng quy định để bảo vệ đàn vật nuôi.

 

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Quảng Bình đang bảo vệ tốt đàn vật nuôi. Số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Còn tại huyện Minh Hóa, một trong những địa phương thường xuyên có nền nhiệt độ ở mức thấp kèm sương mù dày đặc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đàn vật nuôi. Hiện nay, tổng đàn lợn trên 13.300 con; đàn trâu, bò gần 20.000 con; đàn dê trên 2.000 con và trên 143.000 con gia cầm. Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, là ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi bà con vẫn có thói quen chăn thả rông gia súc, huyện cũng đã phân công cán bộ hướng dẫn bà con lợp kín tất cả chuồng trại, đưa trâu bò thả rông về chuồng khi thời tiết xuống thấp nhằm bảo vệ đàn vật nuôi.  

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt ở tỉnh ta giảm mạnh. Để tiếp tục phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài, UBND tỉnh đã có văn bản gửi đến các sở, ban, ngành, địa phương về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại kéo dài. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu sở NN-PTNT chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai đồng bộ biện pháp phòng chống rét, dịch bệnh, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là gia súc, gia cầm, thủy sản, lúa đông-xuân mới gieo cấy, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

 

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Công Tám cho biết: Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 93.000 con trâu, bò; 272.000 con lợn và hơn 6 triệu con gia cầm. Để phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, từ đầu mùa đông, Sở NN-PTNT cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống đói, rét và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là đàn trâu, bò. Ngoài ra, Cục Chăn nuôi cũng đã có văn bản hướng dẫn phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi về cách gia cố chuồng trại vào mùa đông; chế độ làm việc và chăn thả của gia súc; cách chăm sóc, nuôi dưỡng; cách phòng bệnh cho đàn vật nuôi…

Thanh Hoa



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202502/chu-dong-cac-bien-phap-phong-chong-ret-cho-dan-vat-nuoi-2224359/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available