Báo cáo của Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA (DKRA Group) về “Thị trường Bất động sản nhà ở TP HCM và vùng phụ cận quý IV/2023” cho thấy thị trường có sự tăng nhẹ về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ so với quý trước ở một số phân khúc.
Đặc biệt, nguồn cung mới và lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu ở thị trường Đồng Nai. Riêng TP HCM lần đầu tiên không phát sinh nguồn cung mở bán mới trong quý.
Các tuyến cao tốc mở ra sẽ tạo điều kiện để bất động sản phát triển (ảnh Minh họa)
Báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh – FERI) về thị trường bất động sản phía Nam, chủ yếu TP HCM và các tỉnh lân cận, cũng cho thấy đây vẫn là vùng dẫn đầu về nguồn cung sơ cấp 9 tháng đầu năm 2023. Nguồn cung căn hộ tại TP HCM và Bình Dương chiếm 97,3% giỏ hàng căn hộ sơ cấp và 65,7% giỏ hàng chung của khu vực.
Cụ thể, quý III/2023, số lượng nguồn cung mới căn hộ tại TP HCM đạt khoảng 4.000 sản phẩm, tăng 74% so năm ngoái. Giá bán bình quân từ 60- 80 triệu/m2, tăng 2% – 3% năm ngoái. Trong đó tỉ lệ hấp thụ căn hộ đạt khoảng 22%.
Tỉ lệ hấp thụ tính trên nguồn cung sơ cấp toàn khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận đạt khoảng 15 – 20%. Trong đó, tỉ lệ hấp thụ tại TP HCM cao hơn các tỉnh lân cận khác, ước trung bình trên 22%.
Về giá bán, theo Dat Xanh-FERI, các đô thị vệ tinh TP HCM như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An ghi nhận giá bán ổn định, bình quân căn hộ từ 27- 43 triệu/m2 ; nhà phố từ 25-91 triệu/m2. Riêng giá bán bình quân biệt thự từ 60- 130 triệu/m2, tăng 5%-8% so với quý trước. Giá bán bình quân shophouse cũng giữ ở mức từ 30-143 triệu/m2.. Trong khi đất nền cũng không tăng, vẫn dao động từ 15- 55 triệu/m2.
DKRA Group dự báo nguồn cung phân khúc đất nền trong quý IV/2023 có thể tăng nhẹ so với quý III/2023, dao động ở mức 350 – 420 nền, tập trung chủ yếu tại Đồng Nai, Long An, Bình Dương.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Tiếp thị Bộ phận Nhà ở Công ty CBRE Việt Nam, cho rằng chính sách đẩy mạnh các dự án đầu tư công của Chính phủ đối với khu vực phía Nam, đặc biệt là các địa bàn lân cận TP HCM, như từ Sân bay quốc tế Long Thành, đường vành đai 3, các đường cao tốc miền Đông và còn nhiều dự án cao tốc nữa ở khu vực miền Tây… nhằm thúc đẩy kinh tế. Đây là điều kiện rất thuận lợi để thị trường bất động sản trong khu vực phát triển theo.
Ông Kiệt ví dụ các dự án mở bán ở khu vực phía Bắc hiện nay ở khá xa trung tâm nhờ vào hệ thống hạ tầng những địa phương này đã phát triển. Như vậy, ở khu vực phía Nam với các tuyến đường vành đai, cao tốc cũng sẽ thúc đẩy xu hướng xây dựng các đô thị ly tâm. Vì hiện nay chi phí đầu tư cao, quỹ đất khu vực trung tâm không còn nhiều.
Đây là cơ hội của Đồng Nai, Bình Dương, Long An, hay các huyện vùng ven TP HCM như Bình Chánh, Củ Chi. Các hệ thống tuyến đường vành đai không chỉ tác động tích cực đến TP HCM mà cả khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Long An tạo nên sự thay đổi của cả khu vực. Điều này lý giải vì sao các chủ đầu tư thời gian qua đua nhau xây dựng và mở bán dự án ở các địa phương này.
Ngoài ra, hệ thống tuyến metro đã tạo nên diện mạo chung của cả khu Đông TP HCM. Các dự án mọc theo metro đã có mức tăng giá rất là cao. Cá biệt có dự án tăng gần 150%. Ngoài ra các dự án tăng từ 50% – 70% là rất nhiều.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/chu-dau-tu-dua-nhau-lam-du-an-nha-o-tai-dong-nai-binh-duong-long-an-20231014101857137.htm