Bước vào cấp học mới luôn là một thách thức đối với học sinh và đồng thời cũng là nỗi lo của cha mẹ. Do vậy các trường học ở Mỹ đều có những sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng giúp học sinh và phụ huynh không bị 'sốc' khi bắt đầu vào năm học đầu cấp mới.
Nhà trường gặp gỡ phụ huynh có con sắp vào cấp II để trao đổi những điều cần chuẩn bị khi con vào cấp học mới, tránh “sốc” cho các con - Ảnh: PHAN QUỐC VINH
Thông thường lứa tuổi học tiểu học ở Mỹ được quy định dành cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, bắt đầu từ lớp Kintergarten (mẫu giáo lớn) cho đến lớp 5.
Tùy điều kiện ở mỗi thành phố mà trường cấp 1 được chia từ lớp mẫu giáo lớn đến lớp 2 sau đó sẽ học lớp 3 đến lớp 5 ở trường khác, hoặc lớp 5 và 6 ở mức độ "intermediate school" (trung cấp trung học cơ sở).
Việc chia nhỏ mỗi hai lớp vào một mức trình độ đào tạo sẽ giúp cho chất lượng giáo dục được bảo đảm hơn cũng như sự chênh lệch giữa các cấp học không quá lớn.
Cô giáo Cuningham
Dạy con cách xây dựng quan hệ thầy trò
Do quy định ưu tiên nhận học sinh trong vùng lưu trú của trường (school area) nên khá nhiều phụ huynh không nằm trong khu vực ưu tiên này muốn gửi con vào trường điểm (Magnet school) đều phải xếp hàng nộp hồ sơ cho con học chương trình Pre-Kintergarten (mẫu giáo nhỏ) ở trường này từ trước để được lọt vào "diện quy hoạch".
Và đây cũng là cách mà con cái của họ làm quen với môi trường tiểu học từ đầu để sau này vào cấp I sẽ đỡ "ngơ ngáo". Các trường điểm thường có quy định sau mỗi năm học nếu kết quả học tập không đạt sẽ bị gửi về trường bình thường.
Con gái tôi hồi từ Việt Nam sang cũng đã trải qua giai đoạn "sốc cơ bản" khi đi học lớp mẫu giáo lá 3 tuổi do không biết tiếng Anh khiến tuần đầu tiên tôi phải ngồi chầu chực nguyên cả ngày bên ngoài phòng học để lỡ cô giáo có nhờ phiên dịch thì còn trao đổi kịp.
Và cũng mất gần sáu tháng im lặng để quan sát, tập nói theo bập bẹ thì cháu mới bắt đầu mạnh dạn trao đổi với giáo viên và bạn bè. Để rồi đây là bước đệm cho việc học lớp lên cao được dễ dàng hơn.
Nhiều phụ huynh cùng lớp chia sẻ rằng rất nhiều trẻ không từng đi học mẫu giáo ở trường mà chỉ được giữ tại nhà sẽ tự tìm nhiều cách để trốn đến trường bằng cách giả vờ ốm, đu bám lấy phụ huynh không chịu buông ra hoặc gào khóc để phản đối việc thoát khỏi đồ ngủ ở nhà vào buổi sáng. Những "ngón nghề" này có vẻ như học sinh ở Mỹ và Việt Nam xem ra cũng học lỏm từ bản năng chứ chẳng ai bày cả!
Khi được hỏi về cách chống sốc cho trẻ khi bước vào cấp I, cô giáo Cuningham - chủ nhiệm con gái lớn của tôi - chia sẻ thêm: "Ở trường mầm non, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh là chìa khóa, vì vậy phụ huynh phải bày cho con cái học cách xây dựng quan hệ thầy trò.
Những năm đầu cấp I, các cháu nên được dạy trước từ vựng càng nhiều càng tốt. Ngay từ những ngày đầu tiên đến trường, học sinh sẽ được tiếp xúc với các khái niệm toán học. Vì vậy từ khi con cái ở tuổi mẫu giáo, điều quý phụ huynh cần biết là không cần phải đợi đến khi trẻ lớn hơn và có thể suy nghĩ mới đưa ra các khái niệm toán học".
Để "sống sót" khi lên cấp II
Đối với học sinh lớp 5 thì trong một ngày gần cuối năm học, Trường Martin Warren (Missousi) - nơi con gái lớn tôi từng học cách đây sáu năm - đã tổ chức buổi đi tham quan cơ sở hạ tầng của một trường cấp II của thành phố để các bạn nhỏ nắm bắt thêm nơi mình sẽ được chuyển đến học tập.
Đồng thời các phụ huynh cũng bắt đầu "nghiên cứu" thông tin trong mùa hè để chuẩn bị cho việc học cấp II của con cái mình được suôn sẻ hơn.
Anh Johnny, nhà hàng xóm đối diện, đã giới thiệu với tôi về chương trình "Middle School Survival Camp" (tạm dịch là trại hè để giúp các học sinh sống sót khi vào học cấp II).
Anh giải thích thêm về việc các học sinh chuẩn bị vào lớp 6 sẽ được tham gia một ngày gặp mặt từ 8h sáng đến 3h chiều trước ngày khai trường khoảng một tháng để tìm hiểu những yêu cầu trong học tập và rèn luyện; học một số kỹ năng nhóm cơ bản; gặp gỡ các nhân viên, giáo viên và bạn học cùng trường cũng như luyện tập cho việc thay đổi lớp; nắm bắt cách kiềm chế cơn giận của bản thân; tham gia các trò chơi vận động...
Thường thì tới tháng 2 nhà trường sẽ gửi thông báo tham gia "Đêm dành cho phụ huynh có học sinh lớp 6 trong tương lai" (Future 6th grader Parent night), gặp gỡ phụ huynh để tìm hiểu về cuộc sống học tập của các em tại trường ở cấp học mới.
Do trường chỉ dạy học sinh lớp 5 và 6 trong một chương trình, đồng nghĩa với việc các học sinh sẽ học một năm cuối tiểu học và một năm đầu của trung học cơ sở, các bạn nhỏ sẽ gặp chút khó khăn nếu di chuyển đến nơi khác học, thậm chí tiểu bang khác với việc chia cấp học cũng khác nhau.
Vì vậy buổi gặp gỡ này sẽ có phần hỏi đáp và cơ hội kết nối với tất cả giáo viên CoCurr ("Co-curricular" là những hoạt động bên lề học tập, không nằm trong chương trình giảng dạy chính thức nhưng có liên quan và bổ sung cho chương trình chính khóa) để tìm hiểu về chương trình học của từng môn học kéo dài trong cả năm.
Giáo viên phụ trách tham vấn học đường (school counselor) sẽ trình bày về các lựa chọn của học sinh dành cho lớp toán học bao gồm trình độ toán cơ bản, toán nâng cao hoặc toán lớp 7. Ngoài ra là các lựa chọn môn năng khiếu như ca kịch, nghệ thuật, biểu diễn trong ban nhạc, hợp xướng...
Chuẩn bị kỹ vẫn... "sốc"
Tuy nhà trường đã chuẩn bị khá kỹ càng cho phụ huynh trước cả nửa năm học nhưng vẫn có nhiều phụ huynh không vượt qua những cơn sốc vì con cái của họ không hòa nhập được với sự thay đổi trong môi trường giáo dục mới hay do chất lượng tại trường học mới không đáp ứng với mong muốn của họ. Đó cũng là lý do một số gia đình quyết định cho con theo chương trình "giáo dục tại nhà" (homeschooling).
Nguồn: https://tuoitre.vn/chong-soc-dau-cap-kieu-my-20250210075758118.htm
Bình luận (0)