Các nhà khảo cổ trong năm 2024 đã có những phát hiện quan trọng ẩn sâu trong lòng đất hàng ngàn năm, những xác tàu thất lạc, hay những khám phá mới khi phân tích ADN.
Bên cạnh các kỹ thuật và công cụ khảo cổ đã được áp dụng nhiều năm nay, những tiến bộ công nghệ hiện đại góp phần không nhỏ cho các nhà khoa học phát hiện những bằng chứng khảo cổ đáng chú ý. Công nghệ cảm biến mặt đất và trí tuệ nhân tạo (AI) đều có những đóng góp cho các phát hiện quan trọng trong năm 2024.
Hàng trăm hình vẽ trên cao nguyên Nazca
Những hình vẽ trên cao nguyên Nazca (Peru) đã được phát hiện và trở thành chủ đề thảo luận trong nhiều năm. Các nhà khoa học đã mất gần 1 thế kỷ để phát hiện 430 hình vẽ. Năm nay, với công nghệ AI, nhóm nghiên cứu từ Đại học Yamagata (Nhật Bản) chỉ mất 6 tháng để lập bản đồ hình vẽ và xác định được thêm 300 hình dáng bí ẩn trên cao nguyên Nazca.
Những hình vẽ được cho là do những người từ nền văn minh tiền Inca tạo ra cách đây 2.000 năm, với những người sống tại khu vực Nazca, phía nam Peru từ năm 200 trước công nguyên đến năm 700. Những hình vẽ lần đầu được phát hiện vào năm 1927 và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, theo AFP. Điều gì khiến những người xưa tạo ra các hình vẽ này vẫn còn là một bí ẩn. Một số nhà khoa học cho rằng chúng mang ý nghĩa chiêm tinh và tôn giáo.
Thành phố thất lạc tại Amazon
Rừng nhiệt đới Amazon có thể trông giống như một nơi trù phú, song việc trồng trọt thực phẩm ở khu vực này lại rất khó khăn. Do đó, từ trước đến nay các nhà khảo cổ chưa từng tìm thấy dấu vết tồn tại của một thành phố cổ tại Amazon.
Mọi chuyện thay đổi khi vào năm 2024, các nhà khảo cổ đã phát hiện những khu định cư cổ nhất tại Amazon. Bằng việc sử dụng LIDAR – một công nghệ cảm biến có thể nhìn xuyên qua cây cối, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 6.000 nền đất được kết nối với nhau tại rừng Amazon khu vực Ecuador, có niên đại 2.000 năm như một dấu tích thể hiện các công trình từng được xây dựng tại đây. Các dấu tích này tương tự kiến trúc được xây dựng ở nền văn minh Maya tại Mexico và Guatemala.
Giải trình tự ADN của người Pompeii
Vụ phun trào núi lửa Vesuvius năm 79 đã chôn vùi thành phố cổ Pompeii thời La Mã và người dân nơi đây. Vào thập niên 1.800, các nhà khoa học đã phát hiện một số hài cốt nằm cạnh nhau tại Pompeii, đặt ra nghi vấn những người này thuộc một gia đình và có quan hệ họ hàng. Tuy nhiên, ADN đầu tiên tại Pompeii được giải trình tự, được đề cập trong nghiên cứu xuất bản tháng 11.2024 trên tạp chí Cell, chỉ ra có 2 bộ hài cốt nằm cạnh nhau của một người đàn ông và một trẻ sơ sinh và 2 người không có quan hệ họ hàng. Hai bộ hài cốt khác về 2 người phụ nữ thiệt mạng khi ôm lấy nhau cũng không có quan hệ gì.
Bức tranh hang động lâu đời
Trong năm nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện những bức vẽ trong hang động ở đảo Sulawesi, Indonesia có niên đại ít nhất 51.200 năm, qua đó trở thành bức chạm khắc trong hang lâu đời nhất từng được phát hiện. Bức tranh khắc họa ảnh con người đang săn bắt loài vật nhìn giống heo. Trước đó, bức chạm khắc hang động lâu đời nhất được phát hiện cũng ở Indonesia, khắc họa một con heo và được cho là có niên đại khoảng 5.000 năm.
Pho mát 3.500 năm
Các nhà khoa học phát hiện loại pho mát cổ nhất thế giới, có niên đại 3.500 năm, chôn tại khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc). Theo trang Live Science hồi tháng 9, nhóm nghiên cứu tìm ra ADN của dê và vi khuẩn lên men từ mẫu vật thời đồ đồng rải rác quanh cổ xác ướp trong quan tài ở nghĩa trang Xiaohe tại lưu vực Tarim, Tân Cương. Loại pho mát cổ được phát hiện sau khi phân tích ADN là pho mát kefir, được làm từ sữa dê. Kefir được cho là đã giúp người xưa giải quyết vấn đề thiếu lactose và tận dụng tối đa những gì mà đàn dê được chăn nuôi mang lại.
Xác tàu thời đồ đồng đắm xa bờ
Hồi tháng 6.2024, robot thăm dò đã phát hiện xác tàu đắm Canaanite đã chìm hơn 3.300 năm trước, nằm dưới độ sâu 2 km cách bờ biển Israel khoảng 90 km. Điều đặc biệt là xác tàu nằm cách xa bờ biển, trong khi những xác tàu có từ thời đồ đồng trước đó thường được tìm thấy gần biển, với lý do kỹ thuật đóng tàu thời đó chưa thể tạo ra những con tàu vượt biển sâu. Phát hiện này đặt ra giả thuyết một số dân biển thời đồ đồng đã chọn hải trình phiêu lưu và mạo hiểm hơn, đó là dựa vào các ngôi sao để đi đến những nơi xa bờ. Giới chức Israel cho biết đây là con tàu đầu tiên và cổ nhất được phát hiển ở vùng biển sâu tại Đông Địa Trung Hải.
Xác tàu Thế chiến 2
Vào tháng 8, các tổ chức và cơ quan hàng hải đã phối hợp tìm kiếm và phát hiện xác tàu khu trục Mỹ USS Stewart ở ngoài khơi bờ biển bang California (Mỹ). Con tàu này đã bị lực lượng Nhật Bản thu giữ tại Indonesia vào năm 1942 và sau đó trở về tay Mỹ khi Thế chiến 2 kết thúc. Con tàu bị loại biên và bị Hải quân Mỹ dùng làm mục tiêu cho máy bay tấn công và đánh chìm vào năm 1946. Xác tàu nằm dưới đáy biển ngoài khơi California trong suốt 78 năm.
Ngoài ra, một tàu ngầm của Hải quân mỹ USS Harder bị chìm tại Biển Đông hồi năm 1944 cũng được phát hiện hồi tháng 5 ở ngoài khơi đảo Luzon, Philippines.
Thời điểm loài người gặp người Neanderthal
Hầu như mọi người trên thế giới hiện nay đều đều mang một phần nhỏ ADN của người Neanderthal – có quan hệ gần gũi với loài người. Đó là vì những con người đầu tiên rời khỏi châu Phi có thể đã gặp người Neanderthal tại Trung Đông và có con với họ trước khi di cư khắp thế giới.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature tháng 12.2024, giải trình tự ADN từ hài cốt của những người sống ở châu Âu khoảng 45.000 năm trước cho thấy họ có những liên kết với người Neanderthal trước đó vài ngàn năm. Điều này đồng nghĩa loài người có thể đã gặp người Neanderthal trong khoảng 49.000 – 45.000 năm trước.
Nguồn: https://thanhnien.vn/choang-ngop-nhung-phat-hien-sau-trong-long-dat-185241226005510678.htm