”Tôi chuẩn bị kế hoạch và ý tưởng cho tác phẩm của mình cách đây 4 năm. Phần lớn các tác phẩm được điêu khắc bằng các loại gỗ lũa, gỗ đỏ, gỗ âm trầm”, ông Nguyễn Trường Tiến, chủ nhân của tác phẩm trên cho biết.
Ông Tiến chia sẻ thêm: ”Điểm khác biệt trong tác phẩm là dùng các loại gỗ bị mục, chôn vùi dưới sông, suối để sử dụng. Sau đó tôi dựa theo dáng tự nhiên của rễ cây để chế tác”.
Theo chủ sở hữu, hình tượng “Cửu Long Tranh Châu” tượng trưng cho chín nhánh sông của Mê Kông như 9 con rồng uốn lượn.
Thời gian hoàn thành tác phẩm điêu khắc trung bình từ 6 tháng đến 1 năm. Các chi tiết được nghệ nhân điêu khắc tỉ mỉ và cẩn thận.
Tác phẩm ”Cửu ngư vượt ngũ môn” cao 2,7m và rộng 4,2m. Tham dự Hội hoa xuân năm nay, ông Tiến trưng bày 10 tác phẩm liên quan đến chủ đề linh vật rồng nhằm phục vụ người dân tham quan.
Tác phẩm ”Đất nước yêu thương” thể hiện hình ảnh con rồng đang bay quanh bản đồ Việt Nam. Ngoài ra, hai viên ngọc còn tượng trưng cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một số du khách thích thú chụp hình với bức tượng rồng khổng lồ này.
Tác phẩm ”Con rồng cháu tiên” được làm bằng chất liệu gỗ âm trầm, thể hiện bản đồ lãnh thổ Việt Nam.
Rồng là một trong tứ linh trong phong thủy, tượng trưng cho sự cao quý quyền uy và sự thịnh vượng.
Cá chép hóa rồng là hình ảnh đàn cá chép gồm 9 con cá đang thi nhau vượt qua dòng nước mạnh và giông bão để hóa thành rồng. Hình ảnh cá chép trong tác phẩm đại diện cho đức tính chịu thương chịu khó của người dân Việt Nam.
Nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, các tác phẩm được trưng bày đến hết ngày 15/2 (tức ngày mùng 6 Tết) tại công viên Tao Đàn (quận 1).