Gần một tháng nay, ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) nhộn nhịp, sầm uất với chợ phiên vừa hiện đại vừa truyền thống, gắn với nhiều nét văn hóa đặc trưng, đa dạng của đồng bào các dân tộc.
Chợ phiên có khoảng 40 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu) |
Đây cũng là một địa điểm thu hút du khách, người dân tham quan và mua sắm dịp đón năm mới 2024.
Vui Xuân ở chợ phiên
Chợ phiên @Buôn Ma Thuột khai mạc ngày 9/12 tại đường Tôn Đức Thắng, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột.
Nơi đây có khoảng 40 gian hàng, gồm 20 gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP; 10 gian về dịch vụ, công nghệ, mặt hàng bổ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh; 10 gian hàng ẩm thực, cà phê, giải khát…
Để thu hút người dân, du khách dịp năm mới 2024, các gian hàng đã chú trọng khâu trang trí với hoa mai, hoa đào, câu đối, biểu tượng con voi, tiểu cảnh ngày Tết.
Các gian hàng trưng bày hoa kiểng, cây cảnh, tranh thư pháp… cũng mang không khí Xuân cùng sự háo hức chào đón năm mới đến với du khách.
Chị Bùi Thị Diễm Nguyên (phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột) đến chợ phiên tham quan, chụp hình cùng bạn bè. Không khí nhộn nhịp với khung cảnh vui Tết đón Xuân khiến chị và bạn bè rất vui. Chị cũng ấn tượng với các gian hàng viết chữ thư pháp, bán tò he… gợi nhớ những nét đẹp về Tết cổ truyền.
Chị Lê Thị Lan từ TP. Hồ Chí Minh về quê thăm nhà đã cùng gia đình đến chợ phiên @Buôn Ma Thuột. Chị rất thích thú bởi chợ có nhiều đặc sản Tây Nguyên để du khách thưởng thức tại chỗ, đặc biệt còn có ẩm thực của dân tộc Thái, ẩm thực Lào, mang đến cho chợ phiên bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo.
Gian hàng thư pháp được nhiều du khách ghé thăm tại chợ phiên, chị Nguyễn Thị Ngọc Vân (xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, chị đã đam mê, theo học thư pháp, hội họa hơn hai năm nay.
Mang tranh thư pháp đến đây, chị muốn tạo không khí rộn ràng, tươi vui, đồng thời mong muốn góp phần giữ gìn nét đẹp trong văn hóa đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Để phục vụ nhân dân, du khách, tại chợ phiên @Buôn Ma Thuột còn có các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ ca ngợi quê hương đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân, trò chơi dân gian sôi động, hấp dẫn…
Đa dạng sản phẩm
Chợ phiên @Buôn Ma Thuột không chỉ là điểm đến tham quan, mua sắm của nhân dân và du khách với sản phẩm đa dạng mà còn là nơi quảng bá sản phẩm nông nghiệp, kết nối tiêu thụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.
Đặc biệt, các sản phẩm có mặt tại chợ phiên @Buôn Ma Thuột phải đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Để phục vụ nhân dân và du khách mua sắm, các doanh nghiệp, hợp tác xã đang chuẩn bị nguồn hàng phong phú, dồi dào và chú trọng khâu trang trí gian hàng đẹp, bắt mắt.
Anh Đinh Huy Thắng, Phó Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang (thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, sản phẩm của đơn vị được chế biến từ các mặt hàng nông sản như bơ, chanh leo, cà phê…
Là đơn vị trẻ, do đó, chợ phiên @ Buôn Ma Thuột đã giúp đơn vị quảng bá sản phẩm và thương hiệu, kết nối tiêu thụ. Đơn vị cũng đã chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì và chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, gian hàng hoa Sơn Hương cho biết, đến với chợ phiên, gia đình mong muốn kết nối bán được nhiều mặt hàng, đặc biệt trong dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thấy du khách và nhân dân tới tham quan dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024 đông đúc, chị mong chợ phiên @ Buôn Ma Thuột ngày càng phát triển và tổ chức định kỳ hàng tuần, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật chia sẻ, thành phố chủ trương xây dựng chợ phiên @ Buôn Ma Thuột hiện đại, văn minh, bản sắc, tổ chức lâu dài và bài bản. Đây cũng là điểm nhấn, sản phẩm du lịch mới, giới thiệu và quảng bá văn hóa đặc trưng, đa dạng của nhân dân các dân tộc.
Chợ phiên cũng nhằm kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thông tin, công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Chợ giới thiệu và hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm từ cà phê gắn với phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.
Chợ phiên cũng mang màu sắc hiện đại, văn minh với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt gắn với hoạt động chuyển đổi số của thành phố và doanh nghiệp, là nơi người nông dân tự hào trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo Hội doanh nhân Buôn Ma Thuột tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, dịch vụ, ẩm thực mang đặc trưng Tây Nguyên và thu hút các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, du khách…