Có một sự thật thú vị ít ai biết – sáp nến có thể được tạo ra từ… côn trùng.
Thông thường, sáp nến thường được làm từ pafarin, đậu tương, một số loại sáp thực vật và mỡ động vật. Tuy nhiên ở châu Á có một loại sáp đặc biệt được sản sinh ra từ loài côn trùng có tên “trùng sáp trắng”.
Chúng thường sống thành đàn trên cây thủy lạp, cây tần bì, sau đó tiết ra sáp trắng trên các cành cây. Vào sáng sớm, người ta sẽ dùng dao cắt bỏ những cành phủ sáp. Sau đó, họ cho chúng vào nồi nước đun sôi để sáp tan chảy và nổi trên mặt nước, sau khi nguội sáp sẽ đông thành khối.
Cuối cùng, người ta sẽ lại thêm nước, đun chảy chúng một lần nữa, sau đó lọc và cuối cùng có được sáp nguyên chất. Loại sáp này được gọi là sáp trắng Nga Mi.
Từ hơn 10 năm trước, sáp trắng Nga Mi đã được coi là di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Hiện nay, ông Vương Tuyết Lâm (sống ở vùng Nga Mi, Tứ Xuyên, Trung Quốc) là người thừa kế kỹ thuật làm sáp gia truyền “có một không hai” này.
Ông Lâm là người nuôi trùng sáp trắng và làm thủ công để tạo nên thứ sáp quý hiếm. Theo ông chia sẻ, loại sáp này không chỉ có thể dùng làm nến mà trước giờ còn là một loại dược liệu quan trọng trong y học cổ truyền. Sáp có thể dùng để trị ho, viêm khí quản, chữa vết thương ngoài da.
Ông Lâm chia sẻ, suốt hơn 500 năm qua, các thế hệ cụ kỵ, ông bà cho đến cha mẹ ông đều bôn ba khắp nơi để tìm mua trùng sáp trắng, để đặt nền móng chất lượng cho các thế hệ côn trùng trong tương lai.
Tháng 5 hàng năm là thời điểm bận rộn nhất của nông dân trong vùng, bởi đây là lúc trứng của trùng sáp trắng bám lên cây.
Nhiều người nghe vậy không khỏi thắc mắc, nếu trên cây có quá nhiều côn trùng thì liệu chúng có hút hết nước và dưỡng chất của cây hay không.
Ông Lâm cho biết, dựa vào kinh nghiệm lâu năm, ông sẽ phải cố gắng đảm bảo sự cân bằng – không nuôi quá số lượng côn trùng và phải đảm bảo cây và côn trùng cộng sinh hòa hợp với nhau.
Sau khi trứng nở, ấu trùng bám trên cây sẽ bò lên lá để hút nước và chất dinh dưỡng. Sau khoảng 10 ngày, chúng sẽ “bén rễ” và phát triển.
Những năm gần đây, giá của sáp trắng cũng như trùng sáp trắng đều tăng cao, mang lại lợi nhuận hậu hĩnh cho những người nông dân đã không quản ngại khó khăn chăm sóc chúng tỉ mỉ hàng ngày. Mức giá cho một kg trùng sáp trắng đã lên đến 536 NDT/kg (1,7 triệu đồng/kg).
Nguồn: https://danviet.vn/cho-loai-con-trung-nay-bam-day-cay-tuong-ham-ham-do-do-nao-ngo-lao-nong-hut-tien-vao-nhu-nuoc-20240703120608316.htm