Trong bối cảnh kinh tế phục hồi và cạnh tranh tín dụng ngày càng khốc liệt, các chuyên gia dự báo lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức hấp dẫn trong năm nay. Tuy nhiên, áp lực từ lãi suất huy động có thể khiến lãi suất cho vay nhích lên vào cuối năm.
Ngân hàng duy trì nguồn vốn ổn định thông qua chính sách lãi suất phù hợp
Lãi suất tiết kiệm đã tăng trung bình 0,71% trong năm 2024 và tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ vào đầu năm 2025. Vấn đề đặt ra là liệu mức tăng này có đủ để ảnh hưởng đến lãi suất cho vay trong năm 2025 hay không?
Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, tương đương khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Trong trường hợp GDP kỳ vọng tăng 10%, tín dụng cần mở rộng từ 18-20%, đưa tổng dòng vốn ngân hàng cung ứng lên khoảng 3,1 triệu tỷ đồng.
Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho nền kinh tế, các ngân hàng áp dụng chính sách lãi suất hợp lý nhằm thu hút vốn, bao gồm phát hành trái phiếu, vay từ tổ chức quốc tế và huy động tiền gửi dân cư.
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), dù lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại hầu hết các ngân hàng vẫn dưới 6%/năm, nhưng mức tăng nhẹ trong nửa cuối năm đã tác động đến lãi suất cho vay. Thực tế, theo NHNN, năm ngoái, lãi suất huy động tăng 0,71% trong khi lãi suất cho vay giảm 0,59% so với đầu năm.
Số liệu từ VCBS cho thấy cuối năm 2024, lãi suất tiết kiệm trung bình tăng khoảng 0,5% so với giữa năm, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn Covid-19. Đồng thời, lãi suất cho vay bình quân năm ngoái giảm 0,96% so với cuối năm 2023.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân có mức giảm lãi suất cho vay mạnh hơn so với khối ngân hàng quốc doanh. Đặc biệt, các ngân hàng quy mô nhỏ chịu áp lực điều chỉnh lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng, trong khi các khoản thoái lãi có xu hướng gia tăng.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia nhận định nhiệm vụ quan trọng của ngân hàng là đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế, thông qua việc huy động tiền gửi với lãi suất hợp lý.
Lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ
Các chuyên gia nhận định rằng xu hướng lãi suất huy động liên tục tăng sẽ có độ trễ nhất định trước khi phản ánh vào lãi suất cho vay trong năm nay.
Về lãi suất đầu ra, chuyên gia đánh giá Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay để duy trì tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Tuy nhiên, việc này đặt ra không ít thách thức cho các ngân hàng.
Theo báo cáo mới nhất từ VCBS và Chứng khoán MB (MBS), lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 0,5-0,7% trong năm nay, sau khi đã giảm gần 1% vào năm trước. Sự điều chỉnh này nhằm bù đắp áp lực huy động vốn trong bối cảnh kinh tế phục hồi và nhu cầu tín dụng gia tăng.
Dự báo cho năm 2025, lãnh đạo TPBank cho rằng lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ do đồng USD vẫn duy trì sức mạnh, tạo áp lực lên tỷ giá. Do đó, lãi suất cho vay khó có khả năng giảm mà nhiều khả năng sẽ duy trì ổn định, trong khi các ngân hàng phải cạnh tranh mạnh mẽ để thúc đẩy tín dụng, khiến biên lợi nhuận chịu áp lực và có thể không biến động nhiều.
Phó Tổng Giám đốc Techcombank, ông Phùng Quang Hưng, cũng đồng quan điểm khi nhận định đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2025 do nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng so với các khu vực khác. Điều này khiến tốc độ hạ lãi suất của Mỹ chậm hơn dự báo trước đó. Ông Hưng dự đoán tỷ giá năm nay có thể tăng khoảng 2,5-3%, kéo theo lãi suất tăng nhẹ từ 0,2-0,25%.
Báo cáo khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý I/2025 cho thấy, nhiều đơn vị có kế hoạch điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay tăng nhẹ từ 0,2-0,3 điểm phần trăm.
Các chuyên gia tài chính nhận định, việc điều chỉnh lãi suất là phản ứng tất yếu của thị trường trước áp lực đến từ cả nội tại lẫn bên ngoài, bao gồm lãi suất huy động và biến động tỷ giá USD. Đồng thời, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trong lĩnh vực tín dụng ngày càng gay gắt, buộc các nhà băng phải đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đối với các ngân hàng quy mô nhỏ, việc áp dụng lãi suất cao hơn nhằm thu hút tiền gửi được xem là cần thiết để duy trì nguồn vốn trong năm, nhất là khi nợ xấu trong ngành vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ linh hoạt từ NHNN cùng chỉ đạo của Chính phủ trong việc ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Về phía người vay vốn, các chuyên gia khuyến nghị nên tìm kiếm các ngân hàng có chương trình ưu đãi hoặc gói vay hỗ trợ, đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm tối ưu chi phí tài chính trong năm 2025.
Nguồn: https://baodaknong.vn/chiu-tac-dong-tu-nhieu-yeu-to-lai-suat-cho-vay-co-the-tang-nhe-242410.html
Bình luận (0)