* Thời kỳ 1950 - 1965
- Chính phủ ban hành Nghị định số 03 ngày 12/2/1950 về việc hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Hội nghị hợp nhất được tiến hành ở thôn Sơn Kịch, xã Hợp Lý (nay là xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch).
- Từ năm 1956 - 1963, Vĩnh Phúc vinh dự nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân.
- Từ năm 1963 - 1965, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, trồng cây, làm thuỷ lợi và phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, đặc biệt là về năng suất lúa.
* Thời kỳ 1965 - 1996
- Ngày 10/9/1966, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động trong Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay” - đánh dấu sự ra đời “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc.
- Quân và dân Vĩnh Phúc đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng 4.191 Huân chương, 14.768 Huy chương các loại. Trong đó có 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất.
- Ngày 26/01/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 504/NQ-QH về hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.
- Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Năm 1974, tổng sản lượng lương thực quy thóc của tỉnh Vĩnh Phú đạt 456.977 tấn, tăng 5,3% so với kế hoạch. Giai đoạn 1968 - 1975, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh có bước tiến dài hơn so với trước.
- Năm 1985, Hội đồng Nhà nước tặng nhân dân các dân tộc, cán bộ chiến sĩ tỉnh Vĩnh Phú Huân chương Sao vàng.
- Trong những năm 1976 - 1996, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã giành được những thành tựu rất quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên; nông, lâm nghiệp giảm xuống.
* Thời kỳ từ năm 1996 đến nay
- Tháng 11/1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 đã ban hành Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997.
- Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương, thu ngân sách nhà nước tăng vượt bậc qua các năm:
+ Năm 1997: 114 tỷ đồng.
+ Năm 2002: vượt mốc 1 nghìn tỷ đồng.
+ Năm 2004: đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết cho ngân sách Trung ương.
+ Năm 2009: vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng.
+ Năm 2014: vượt 20 nghìn tỷ đồng.
+ Năm 2016: vượt mốc 30 nghìn tỷ đồng.
+ Năm 2022: hơn 40 nghìn tỷ đồng.
+ Năm 2024: đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng.
- Năm 1997: Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 48% bình quân cả nước. Tỉnh ủy đã xác định lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng; đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ, phát triển du lịch làm mũi nhọn; coi trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn.
- Giai đoạn 1997 - 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 13,42%/năm; năm 2024 đạt 7,52%, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP đạt hơn 173 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt hơn 141 triệu đồng/người/năm.
- Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2024, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62,37%; ngành dịch vụ chiếm 30,88%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,75% (năm 1997, cơ cấu kinh tế lần lượt là: 18,4%, 36,47%, 45,13%).
- Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng cao, liên tục qua các năm, năm 2024 tăng hơn 11% so với năm 2023.
- Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Toàn tỉnh có 200 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 13 thôn đạt chuẩn nông thôn mới thông minh, 42 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện đạt nông thôn mới nâng cao (huyện Yên Lạc); có 141 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên.
- Vĩnh Phúc luôn là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Năm học 2022 - 2023 - 2024 Vĩnh Phúc đứng thứ nhất toàn quốc về điểm trung bình chung các môn thi tốt nghiệp THPT; đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
- Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) toàn tỉnh giảm còn 0,44%, không có hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,8%.
- Vĩnh Phúc có 1 bảo vật quốc gia (Tháp gốm men chùa Trò); 4 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 3 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO; 7 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2) năm 2015, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2017, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2020 (lần 2) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123576/75-nam-thanh-lap-tinh-Vinh-Phuc-Nhung-dau-an-quan-trong
Bình luận (0)