Gói thầu này chia làm 2 giai đoạn thực hiện, bao gồm thi công xây dựng hệ thống cấp và thoát nước; lắp đặt điện cao thế; di dời tạm các công trình điện (trung thế và hạ thế), công trình viễn thông vào hành lang 5.
Giai đoạn 2, nhà thầu sẽ di dời tái lập ngầm vĩnh viễn công trình điện (trung và hạ thế), công trình viễn thông vào hào kỹ thuật ngầm đảm bảo phù hợp thiết kế, cảnh quan đô thị. Toàn bộ công tác di dời hạ tầng kỹ thuật mất khoảng 1,5 năm để hoàn thành.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban phụ trách MAUR cho biết dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 là một trong hai dự án đường sắt quan trọng quốc gia trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư khoảng hơn 2 tỉ USD, tương đương khoảng 47.000 tỉ đồng.
Đến nay, các quận đã cơ bản hoàn tất các thủ tục ban hành Quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án, tỷ lệ đạt 99,6% (584 trường hợp/568). Trong đó, các quận 1, 10, Tân Bình, Tân Phú đã đạt bàn giao 100% mặt bằng “sạch”, còn một số trường hợp tại quận 3 vẫn vướng do liên quan đến đơn giá bồi thường. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng toàn dự án hiện đã đạt 86,69%.
“Việc khởi công xây dựng và tái bố trí hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống điện, thoát nước, cấp nước và viễn thông thuộc dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 hôm nay làm tiền đề cho việc chuẩn bị mặt bằng sạch, cả trên mặt đất và cả không gian ngầm, để bàn giao cho các nhà thầu chính thi công nhà ga, đường hầm vào đầu năm 2025. Việc chuẩn bị một mặt bằng và không gian ngầm thông thoáng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ, nhằm đưa tuyến metro số 2 vào khai thác năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” – ông Nguyễn Quốc Hiển thông tin.
Lãnh đạo MAUR cũng cam kết cùng với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, các bên tham gia dự án nỗ lực, chung sức, tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công công tác xây dựng, di dời và tái bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật tuyến tàu điện ngầm số 2 đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định việc chính thức khởi công ngoài thực địa, đánh dấu mốc triển khai tuyến metro Bến Thành – Tham Lương. Đây là công trình có vai trò quan trọng trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị của thành phố, hoàn thiện mạng lưới giao thông cũng như chỉnh trang, phát triển đô thị và thúc đẩy kinh tế, xã hội TP.HCM.
Tuyến metro số 2 đặt nền móng cho giai đoạn phát triển không gian ngầm của thành phố trên cơ sở các nhà ga ngầm dọc tuyến. Đồng thời, là dự án được áp dụng cách làm mới – đảm bảo giải phóng mặt bằng “sạch”, hạ tầng kỹ thuật “sạch” 100% trước khi thi công các dự án chính. Ngoài ra, đây cũng là công trình đầu tiên của thành phố ứng dụng mô hình thông tin công trình từ khảo sát, thiết kế cho tới giám sát, triển khai thi công; được áp dụng những công nghệ tiên tiến trong quá trình triển khai thi công như khoan kích ngầm, hệ thống điện ngầm, hệ thống cấp nước ngầm…
“Riêng gói thầu di dời hạ tầng này có nhiều hạng mục lớn. Do diện tích mặt bằng chật hẹp. Các nhà thầu cần xây dựng phương án thi công hợp lý để tránh ùn tắc giao thông. Đồng thời chủ đầu tư phối hợp với địa phương sớm hoàn thành thu hồi 100% mặt bằng để đảm bảo khởi công dự án vào năm 2025 theo đúng kế hoạch” – Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường chỉ đạo.
Tuyến metro số 2 giai đoạn 1, từ Bến Thành đến Tham Lương có tổng chiều dài khoảng 11,3 km, trong đó có 9,3 km đi ngầm và 2 km đi trên cao. Công trình có 11 nhà ga, chạy dọc đường Cách Mạng Tháng 8 và Trường Chinh, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, cùng với khu vực đỗ tàu, depot Tham Lương tại quận 12 với diện tích 25 ha.
Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách của thành phố. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2026. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên dự án được lùi thời gian hoàn thành đến năm 2030.