Vừa qua, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 68 của Ủy ban Địa vị phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW), Colombia đã trình bày Chính sách đối ngoại nữ quyền (FFP) như một sáng kiến nhằm thúc đẩy và đảm bảo bình đẳng giới trong ngành ngoại giao của quốc gia Nam Mỹ này.
Chính sách đối ngoại nữ quyền vận hành xoay quanh 3 trọng tâm: Sự tham gia, chủ nghĩa hòa bình và sự hòa hợp. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Colombia) |
Trước đó, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2022, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã tuyên bố, FFP là ưu tiên hàng đầu của quốc gia hướng tới sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào các hoạt động đối ngoại.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Colombia phụ trách các vấn đề đa phương, bà Elizabeth Taylor Jay nhấn mạnh tại CSW rằng, chính phủ Colombia đã chủ động đề xuất chủ trương này và đây chính là yếu tố then chốt quyết định, lần đầu tiên trong lịch sử, đưa các vấn đề về phụ nữ và giới vào trọng tâm chính trị quốc gia, trong đó bao gồm chính sách đối ngoại.
Colombia đã phê chuẩn các điều ước quốc tế về nhân quyền và quyền phụ nữ và để hiện thực hóa các văn kiện này, cần phải có cơ chế và công cụ hiệu quả.
Trước khi thông qua chính sách FFP, Bộ Ngoại giao đã kêu gọi các cơ quan công quyền quốc gia và các tổ chức xã hội dân sự xây dựng sáng kiến nhằm đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ và người LGBPTQ+, để từ đó hoàn thiện chính sách này.
Chính sách FFP vận hành xoay quanh 3 trọng tâm: Sự tham gia, chủ nghĩa hòa bình và sự hòa hợp.
Chính sách sẽ thúc đẩy các hoạt động liên quan đến công bằng xã hội và môi trường, hòa bình toàn diện, tăng cường giáo dục, khoa học, văn hóa và đảm bảo quyền của phụ nữ, trong mọi hoàn cảnh và thời gian.
Bên cạnh đó, bình đẳng giới sẽ được áp dụng trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao cũng như các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Colombia tại nước ngoài, đảm bảo phù hợp với đường hướng chỉ đạo của chính sách FFP.
Chính sách đối ngoại nữ quyền mới của Colombia được xây dựng như một yếu tố tạo nên sự phát triển tích cực cho Bộ Ngoại giao và các mối quan hệ ngoại giao quốc tế của Colombia, trao quyền và ủng hộ sự tham gia tích cực của phụ nữ và người LGBTQ (cộng đồng những người có xu hướng giới tính khác biệt so với phần đông xã hội hay còn gọi là những người thuộc giới tính thứ 3) trong chính sách đối ngoại đa phương, song phương và hợp tác quốc tế.
(theo ĐSQ Colombia tại Việt Nam)