Nhiều năm qua, huyện nghèo Mường Ảng (Điện Biên) luôn chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc theo hướng tạo “đòn bẩy” giúp đồng bào DTTS chủ động tự lực vươn lên thoát nghèo.
Trò chuyện với ông Đinh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng, cho biết: Năm 2024 cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành Nông – Lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành Công nghiệp – Dịch vụ. Lĩnh vực trồng trọt đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của địa phương. Năng suất các loại cây trồng tăng do áp dụng tiến bộ mới về giống và kỹ thuật thâm canh. Sản phẩm trồng trọt đã cơ bản đảm bảo về nhu cầu lương thực thực phẩm trong huyện.
Nhiều xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới |
Đến thời điểm này, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đi lại được quanh năm; gần 130km đường nội bản, liên bản được cứng hóa bằng bê tông. 100% số xã được phủ sóng viễn thông, 100% số xã có điện lưới quốc gia, 96% số bản có điện và 97,1% số hộ được dùng điện lưới. 100% số trạm y tế có cơ sở hạ tầng bảo đảm quy định của Bộ Y tế, 100% số hộ gia đình thị trấn được sử dụng nước sạch, 98% số hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn Huyện giảm từ 30,85% cuối kỳ năm 2019 xuống còn 22,13% vào cuối năm 2023. Có được kết quả trên có sự đóng góp đáng kể của các chính sách dân tộc từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Ông Đinh Văn Sơn khẳng định.
Cuộc sống đồng bào dân tộc của huyện đang thay đổi từng này, nhiều công trình phúc lợi phục vụ nhân dân được đầu tư xây dựng |
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Mường Ảng đã tổ chức thực hiện các nội dung của 8/10 dự án thuộc Chương trình.
Huyện đã tiến hành hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đến năm 2023 là 202 téc nước cho 202 hộ nghèo; năm 2024 hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 800 hộ nghèo và tiến hành cấp phát đợt 3 cho hơn 500 hộ nghèo. Mường Ảng cũng đã hỗ trợ làm nhà mới: 252/262 hộ. Các hộ được hỗ trợ nhà ở và téc nước đã thật sự yên tâm, phát triển kinh tế, dần dần ổn định cuộc sống.
Các mô hình hỗ trợ sinh kế đang dần phát huy được hiệu quả giảm nghèo |
Huyện đã tổ chức 05 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 387 học viên thuộc đối tượng 3: Trưởng, Phó các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, các tổ chức chính trị xã hội; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các xã, thị trấn…
Đặc biệt, thông qua nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 huyện đã đầu tư xây dựng 72 công trình (gồm 22 công trình đường giao thông, 13 trường học, 19 nhà văn hóa, 7 công trình nước sinh hoạt và 11 công trình thủy lợi); duy tu, bảo dưỡng 30 công trình trên địa bàn các xã, thị trấn.
Công tác tuyên truyền về chính sách dân tộc luôn được huyện quan tâm |
Cũng từ đầu nhiệm kỳ đến nay huyện có 10 dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo liên kết theo chuỗi được triển khai với 529 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được thụ hưởng; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững có 430 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp nhu cầu; 33 lao động được hỗ trợ đào tạo, xuất cảnh lao động nước ngoài và hơn 45 nghìn lượt người được tập huấn nghiệp vụ, thực hiện thu thập thông tin nhu cầu lao động…
Trên 90% đồng bào dân tộc trong huyện được sử dụng điện lưới quốc gia |
Đánh giá chung kết quả thực hiện các chương trình từ đầu năm 2021 đến nay, ông Đinh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng khẳng định: Các dự án, tiểu dự án của các chương trình đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện cùng với các chương trình, chính sách khác đã giúp cơ sở hạ tầng của huyện, xã dần được hoàn thiện; kinh tế – xã hội phát triển theo hướng tích cực, hiệu quả… góp phần giải quyết các khó khăn về đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân các dân tộc, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khẳng định khối đại đoàn kết vững chắc giữa các dân tộc, giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương./.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/chinh-sach-dan-toc-don-bay-giup-muong-ang-giam-ngheo-208772.html