Theo thông tin mới nhất từ Văn phòng Thủ tướng Israel, Lực lượng phòng vệ nước này (IDF) sẽ tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Rafah ở Dải Gaza bất kể có sự trợ giúp của Mỹ hay không.
Tuyên bố trên được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
“Nhưng tôi cũng muốn nói rằng chúng ta không có cách nào đánh bại Hamas nếu không tiến vào Rafah và tiêu diệt các tay súng Hồi giáo ở đó. Tôi đã nói với ông ấy rằng chúng tôi hy vọng sẽ làm điều này với sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng nếu không có Washington, chúng tôi sẽ làm điều đó một mình”, ông Benjamin Netanyahu nhấn mạnh.
Thủ tướng Israel nhấn mạnh rằng Tel Aviv rất biết ơn Mỹ vì sự hỗ trợ 5 tháng qua trong cuộc chiến chống lại phong trào Hamas ở Dải Gaza. Ông Benjamin Netanyahu cũng nói thêm rằng chiến dịch quân sự sẽ bắt đầu khi dân thường được sơ tán khỏi Rafah.
Israel tuyên bố sẽ đơn phương tấn công thành phố Rafah bất chấp có sự ủng hộ của Mỹ hay không. Ảnh: Getty |
Liên quan tới cuộc xung đột, Nga, Trung Quốc đã cùng nhau phủ quyết dự thảo nghị quyết Hội đồng Bảo an về xung đột tại Dải Gaza do Mỹ đề xuất. Moscow và Bắc Kinh cho rằng nghị quyết mới do Mỹ đề xuất không đủ để gây áp lực với Israel.
Dự thảo nghị quyết do Mỹ đệ trình được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 24/3, trong đó lần đầu xuất hiện nội dung ủng hộ "sự cấp thiết của lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài" ở Dải Gaza và lên án cuộc tấn công của Hamas nhằm vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023.
Văn kiện đề cập khả năng thực thi lệnh ngừng bắn và trao trả con tin sau những cuộc đàm phán với sự bảo trợ của Qatar, Mỹ và Ai Cập, nhưng không trực tiếp yêu cầu Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại Dải Gaza.
10 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có hai nước thành viên thường trực là Anh và Pháp bỏ phiếu ủng hộ. Guyana bỏ phiếu trắng, trong khi Nga, Trung Quốc và Algeria bỏ phiếu chống. Vì Nga và Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền bỏ phiếu phủ quyết nên dự thảo nghị quyết của Mỹ không được thông qua.
Theo thông lệ, dự thảo nghị quyết muốn được thông qua cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không bị nước nào trong 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga phủ quyết.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia chỉ trích Mỹ đã có cố tình ngó lơ trước các hành động bạo lực và mỉa mai rằng Washington chỉ đề cập tới lệnh ngừng bắn "sau khi Dải Gaza gần như đã bị xóa sổ khỏi bề mặt Trái Đất".
"Đây là hành động đạo đức giả điển hình. Văn kiện nghị quyết của Mỹ bị chính trị hóa quá mức với mục đích duy nhất là tranh thủ sự ủng hộ của cử tri và xoa dịu họ bằng cách nhắc tới một lệnh ngừng bắn nào đó ở Dải Gaza. Dự thảo này sẽ bảo đảm quyền miễn trừ cho Israel, tội ác của họ thậm chí còn không được đưa vào văn kiện", ông Vassily Nebenzia cho biết.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân cho rằng dự thảo của Mỹ "đã né tránh vấn đề then chốt bằng những ngôn từ mập mờ" và không đưa ra được lời giải cho câu hỏi về phương án thực thi lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza trong tương lai gần.
Vấn đề giải quyết xung đột tại Dải Gaza chưa được thực hiện khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris sẽ phối hợp với Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để thuyết phục Nga, Trung Quốc ủng hộ nghị quyết mới về lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza.
Vấn đề còn tồn tại trong các cuộc đàm phán ngừng bắn hiện nay là Hamas tuyên bố chỉ thả con tin như một phần của thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn xung đột, trong khi Israel tuyên bố họ chỉ thảo luận về dừng tạm thời chiến dịch quân sự tại Dải Gaza
Theo cơ quan y tế Dải Gaza, con số nạn nhân thiệt mạng do xung đột tại dải đất này đã lên tới hơn 32.000 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Con số thương vong đặc biệt tăng cao khi Israel phát động chiến dịch quân sự ở Dải Gaza nhằm đáp trả vụ đột kích của Hamas.
Nguồn
Bình luận (0)