(CLO) Theo các báo cáo, hoạt động di tản đang được tiến hành ở Nga sau khi Ukraine tấn công các kho vũ khí trong nước trong hai ngày qua, gồm hàng loạt UAV và tên lửa tầm xa mà Mỹ vừa cho phép.
Newsweek dẫn lời nguồn tin từ Siren trên Telegram cho biết, thị trấn Kotovo của Nga đang được sơ tán, trong đó nêu rõ: “Ban quản lý khu dân cư nông thôn Kotovsky nói với các nhà báo rằng cư dân Kotovo đã được sơ tán. Họ đã được ‘đưa đến nơi an toàn’. Chính quyền không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào khác”.
Nguồn tin cũng cho biết: “Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã báo cáo rằng 20 máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên lãnh thổ vùng Novgorod trong đêm. Thống đốc vùng này, Andrei Nikitin, cũng đã viết về việc phá hủy ‘một số’ máy bay không người lái”.
Những tuyên bố đáng lo ngại
Các cuộc không kích của Ukraine diễn ra sau khi Kiev được chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ viện trợ trong thời gian còn lại ở Nhà Trắng (mới nhất là gói 275 triệu đô la), đặc biệt đã bật đèn xanh để Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Việc sử dụng tên lửa tầm xa được các chính trị gia Nga coi là hành động leo thang chiến tranh. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng việc cung cấp các tên lửa tầm xa này là tín hiệu cho thấy phương Tây đang tham gia nhiều hơn vào cuộc xung đột.
Nghị sĩ Duma Quốc gia Nga, Andrei Gurulyov, cho biết nếu Mỹ tiếp tục cung cấp những tên lửa này thì “về cơ bản sẽ không còn gì của nước Mỹ, nước đang cố gắng kéo chúng ta vào cuộc leo thang. Sẽ không có Biden hay Trump. Nước Mỹ đang phải chịu 95% thiệt hại tổng thể”.
Việc Mỹ bất ngờ cho phép Ukraine tấn công tên lửa tầm xa vào thời điểm này được cho là nhằm đáp trả việc hàng nghìn lính Triều Tiên được phương Tây cho rằng đã được triển khai đến giúp Nga.
Quan trọng hơn, các chuyên gia đều cùng quan điểm rằng bước đi này của chính quyền ông Biden là nhằm giúp Ukraine không bị áp đảo trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán trong thời gian từ giờ đến lúc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền (ngày 20/1 năm sau).
Như đã biết, ông Trump đã tuyên bố sớm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine ngay sau khi nhậm chức. Dù không nói rõ bằng cách thức như thế nào, song giới phân tích đều nhận định rằng ông Trump sẽ cắt viện trợ cho Ukraine (như đã nhiều lần phát biểu), buộc Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Nhóm ông Trump phản đối và sẽ can thiệp?
Truyền thông nhà nước Nga đang bày tỏ hy vọng rằng chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ chấm dứt việc chuyển giao tên lửa tầm xa cho Ukraine. Những tuyên bố này chưa được nhóm ông Trump xác nhận trực tiếp. Tuy nhiên, con trai cả của ông Trump là Donald Trump Jr đã tuyên bố chính quyền ông Biden đang cố gắng gây ra “Chiến tranh thế giới thứ ba” bằng cách giúp Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
“Tổ hợp công nghiệp quân sự dường như muốn đảm bảo rằng họ sẽ tiến hành Thế chiến thứ 3 trước khi cha tôi có cơ hội tạo ra hòa bình và cứu mạng người”, Trump Jr. đã đăng trên nền tảng xã hội X. “Phải khóa chặt số tiền nghìn tỷ đô la đó. Mạng sống sẽ bị hủy diệt!!!…”.
Trong khi đó, Richard Grenell, cựu Giám đốc tình báo quốc gia tạm quyền trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, người được coi là ứng cử viên tiềm năng cho chức Ngoại trưởng Mỹ, đã viết: “Không ai dự đoán được rằng Joe Biden sẽ TĂNG CƯỜNG cuộc chiến ở Ukraine trong thời kỳ chuyển tiếp. Điều này giống như thể ông ấy đang phát động một cuộc chiến hoàn toàn mới. Mọi thứ đã thay đổi bây giờ – tất cả các tính toán trước đây đều vô giá trị”.
Những đảng viên Cộng hòa khác lên tiếng bao gồm nữ dân biểu cực hữu Marjorie Taylor Greene và Thượng nghị sĩ Utah Mike Lee, người đã nói: “Joe Biden vừa mới chuẩn bị cho Thế chiến thứ III. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện rằng điều này sẽ không xảy ra”.
Giám đốc truyền thông của ông Trump, Steven Cheung, thì nói rằng: “Ông ấy là người duy nhất có thể đưa cả hai bên lại gần nhau để đàm phán hòa bình, hướng tới mục tiêu chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn giết chóc”.
Đàm phán có thể theo hướng nào?
Trong khi đó, theo 5 nguồn tin có liên hệ với Điện Kremlin của Reuters, Tổng thống Vladimir Putin đã sẵn sàng thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine với ông Trump nhưng loại trừ khả năng đưa ra bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ lớn nào và yêu cầu Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Cụ thể, 5 quan chức Nga hiện tại và trước đây này cho biết Điện Kremlin có thể đồng ý đóng băng xung đột ở tuyến đầu. Theo ba người yêu cầu giấu tên để thảo luận về các vấn đề nhạy cảm, có thể có chỗ cho đàm phán về việc phân chia chính xác 4 khu vực phía đông Ukraine là Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson – các khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập và đang kiểm soát khoảng 70 đến 80% lãnh thổ.
Hai quan chức cho biết Nga cũng có thể sẵn sàng rút quân khỏi các vùng lãnh thổ tương đối nhỏ mà nước này nắm giữ ở khu vực Kharkiv và Mykolaiv, phía bắc và phía nam Ukraine.
Theo 5 quan chức Nga đương nhiệm và trước đây này, Nga sẽ không chấp nhận việc Ukraine gia nhập NATO hoặc sự hiện diện của quân đội NATO trên đất Ukraine, nhưng nước này sẵn sàng thảo luận về việc đảm bảo an ninh cho Kiev.
Những nhượng bộ khác của Ukraine mà Điện Kremlin có thể thúc đẩy bao gồm việc Kiev đồng ý hạn chế quy mô lực lượng vũ trang và cam kết không hạn chế việc sử dụng tiếng Nga.
“Nếu không có sự trung lập, thật khó để tưởng tượng ra bất kỳ mối quan hệ láng giềng hữu nghị nào giữa Nga và Ukraine”, ông Putin phát biểu tại nhóm thảo luận Valdai vào ngày 7 tháng 11. “Tại sao? Bởi vì điều này có nghĩa là Ukraine sẽ liên tục bị sử dụng như một công cụ trong tay kẻ xấu và gây phương hại đến lợi ích của Liên bang Nga”.
Hai nguồn tin cho biết nếu không đạt được lệnh ngừng bắn thì Nga sẽ tiếp tục chiến đấu.
Hoàng Anh (theo Newsweek, Guardian, Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nga-di-tan-dan-cu-khi-chien-su-dang-nong-len-ong-trump-co-the-cuu-van-tinh-hinh-post322187.html