Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, với hàng trăm bài thi, hàng trăm triệu lượt xem trên các nền tảng xã hội cho thấy Chiến dịch “Tin” lan tỏa giá trị đến cộng đồng.
Tối 23/11, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) phối hợp cùng Báo VnExpress tổ chức chương trình Tinternet – Nâng cao ý thức người dùng mạng tại Việt Nam. Chương trình nằm trong khuôn khổ Chiến dịch “Tin” với thông điệp “Tin trên mạng, tin cho đúng”.
Chiến dịch “Tin” tổ chức từ tháng 9 đến tháng 11 với mục tiêu cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.
Qua 2 tháng, Chiến dịch “Tin” nhận được sự quan tâm lớn từ các cơ quan báo chí, truyền thông và đông đảo công chúng, giúp công chúng có thêm hiểu biết, nâng cao ý thức trong việc phòng chống và hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên Internet. Website chính thức của chương trình cũng thu hút gần 50.000 lượt truy cập trong vòng 1 tháng.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do.
Cuộc thi sáng tạo nội dung Anti Fake News trong khuôn khổ chiến dịch đã thu hút hơn 50 bài dự thi, thu về hơn 130 triệu lượt xem sau gần 1 tháng triển khai. Bên cạnh các video dự thi, có hơn 100 video cũng tham gia đưa tin về chương trình, với số lượt xem lên tới gần 280 triệu lượt.
Đặc biệt, thông điệp Anti Fake News đã được rất nhiều nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng thông qua việc đặt hashtag trên bài đăng. Đến ngày 20/11 đã có gần 1,5 triệu video gắn hashtag Anti Fake News trên nền tảng TikTok, đạt số lượt xem lên đến hơn 5 tỷ lượt.
Phát biểu tại chương trình, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do chia sẻ, khi Cục triển khai chiến dịch này cũng “rất hồi hộp” vì không biết sự đón nhận của cộng đồng mạng như thế này. Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT triển khai hoạt động tập trung trên mạng, với chủ đề “tin giả” ai cũng gặp phải. Sau 2 tháng triển khai, ông bày tỏ vui mừng vì sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng mạng, hot tiktoker, những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng, các cơ quan báo chí.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong 1 tháng sau khi phát động chiến dịch có hơn 50 bài tham dự với hơn 130 triệu view, có đến 1,5 triệu video gắn hashtag truyền thông điệp “Anti Fake News” với khoảng 5 tỷ lượt xem. Đây là con số ấn tượng thể hiện sự đồng lòng chung sức với các cơ quan quản lý Nhà nước để cùng chống lại thông tin giả trên mạng.
Ông bày tỏ hy vọng các bạn trẻ, học sinh, sinh viên hãy cùng tham gia với Bộ TT&TT trong “trận chiến chống tin giả” bởi đây chính là thế hệ những người dùng mạng, xây dựng lên văn hoá mạng.
Cục trưởng cho biết, trong năm 2024, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động nâng cao nhận thức người dùng, nâng cao văn hóa mạng và mong muốn sẽ nhận được sự hưởng ứng của tiktoker, nhà sáng tạo nội dung, cơ quan báo chí và các trường đại học.
Tại chương trình, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 Lương Thùy Linh, Đại sứ của chương trình chia sẻ một trong những điều đáng sợ nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng nổ là tin giả (fake news).
Năm 2022, nghiên cứu từ nhóm tác giả thuộc Đại học Oxford, được UNICEF công bố 76% thanh thiếu niên đối mặt với tin giả từ các nguồn trực tuyến ít nhất một tuần một lần. Con số này tăng 50% so với hai năm trước đó.
Hoa hậu Lương Thuỳ Linh cho biết: “Điều này cho thấy công nghệ càng phát triển thì chúng ta càng tiếp xúc với nhiều tin giả… Nghệ sĩ thường là nạn nhân của tin giả, tin sai sự thật. Tin giả sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp của nghệ sĩ, tệ hơn là sức khoẻ tâm lý của họ”.
76% thanh thiếu niên đối mặt với tin giả.
“Một lời nói dối có thể chạy quanh thế giới trước khi sự thật kịp đi giày”, cô dẫn một câu nói để cho thấy sức lan tỏa của tin giả. Trong khi 100.000 người có thể tiếp cận tin giả, chỉ 1.000 người tiếp cận với tin thật.
Theo Hoa hậu Lương Thùy Linh, tin giả dễ lan truyền vì mới lạ, có nội dung đề cập đến vấn đề nóng đang được nhiều người quan tâm; thường có tiêu đề giật gân và thu hút, gây ấn tượng ngay lập tức tới người đọc.
Cô chia sẻ cách check tin giả, bao gồm: Nguồn và tác giả; thông tin trong bài và các nguồn uy tín khác.
Còn ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo cho rằng tin giả nằm trong số những rủi ro hàng đầu thế giới. Theo công bố của Đại học Baltimore năm 2019, tổng chi phí thiệt hại từ vấn nạn này là 78 tỷ USD cho thị trường Mỹ, 70% thiệt hại này ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Cùng với sự phát triển công nghệ, tin tức đến quá nhiều và chúng ta chỉ đọc tựa, ít cân nhắc kỹ nội dung.
Xu hướng tin giả cũng gia tăng trong giới tài chính. Theo ông, việc này cũng phần nào đến từ thiên kiến nhận thức của cá nhân. Do đó, người xấu tận dụng tâm lý của con người để tạo ra tin giả.
Ông dẫn chứng về vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, cộng đồng mạng lan truyền về nguyên nhân cháy do xe điện, nhưng sự thật không phải vậy.
Để giảm thiểu thiệt hại, ông khuyến khích các bạn trẻ nên đặt câu hỏi trước khi bấm bất kỳ thao tác tương tác nào với tin tức trên mạng: Có tin được không; có làm hại đến ai không; có đang bị ai thao túng hay không. Những câu hỏi này làm rõ được ba yếu tố là chính chủ, chính thống và chủ động.
Vietnamnet.vn