Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng công nghệ trên thế giới, xu thế tất yếu hình thành những mô hình về toà soạn số trên thế giới nói chung và các cơ quan báo chí ở Việt Nam nói riêng; thảo luận những giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số; thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số ở Việt Nam.
Hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung là xu thế tất yếu
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính và Viễn thông cho biết, trong xu thế chuyển đổi số chung của tất cả các ngành lĩnh vực, chuyển đổi số báo chí sẽ trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí. Thực chất của chuyển đổi số báo chí là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
“Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông rất vinh hạnh là đơn vị phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ trong quản trị toàn soạn số” ngày hôm nay. Có thể nói, đây là hội thảo có ý nghĩa trong lĩnh vực báo chí khi ứng dụng các công nghệ vượt trội từ đó thay đổi tư duy, lối mòn quản trị cũng như thể hiện năng lực trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, hội thảo được tổ chức gắn với chủ trương và chiến lược phát triển chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, PGS.TS. Đặng Hoài Bắc chia sẻ.
Phát biểu đề dẫn, ông Lê Quốc Minh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được xem như là một chìa khóa để mở ra con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại.
“Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo, theo đó mô hình “tòa soạn số” trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí thế giới nói chung, cơ quan báo chí Việt Nam nói riêng”, ông Lê Quốc Minh khẳng định.
Ông Lê Quốc Minh cho rằng, xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí, đặc biệt là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn; chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm. Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
Bàn về Toà soạn số trong bối cảnh Chuyển đổi số báo chí hiện nay ở Việt Nam, TS. Trần Quang Diệu – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, chuyển đổi số báo chí truyền thông cần tập trung vào bám sát quy hoạch báo chí 2019 và Quyết định 348 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, các cơ quan báo chí hoạt động vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số, cơ quan báo chí đưa nội dung trên các nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí thông minh nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
“Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình hội tụ, tòa soạn số tại các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan báo chí trọng điểm như Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam… làm nền tảng và tiền đề cho các cơ quan báo chí khác ở cả Trung ương và địa phương học tập, xây dựng mô hình phù hợp với bối cảnh của từng cơ quan, đơn vị”, TS. Trần Quang Diệu nói.
Theo TS. Trần Quang Diệu, hội tụ công nghệ và nội dung cho phép các cơ quan báo chí truyền thông xây dựng một nền tảng công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ lên môi trường số nhằm giúp các cơ quan báo chí truyền thông nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu thông tin của công chúng, từ đó xây dựng các tuyến bài đáp ứng các nhu cầu, đúng thời điểm của công chúng đồng thời bảo vệ hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số.
Từ tòa soạn truyền thống sang tòa soạn hội tụ và nay chuyển đổi thành tòa soạn số
Cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, sự phát triển của báo chí cũng mang tính bước ngoặt không chỉ về loại hình báo chí mà còn về quy trình làm báo, tổ chức bộ máy và cách thức truyền tải nội dung đến với bạn đọc. Trong xu hướng tất yếu đó, nhiều tòa soạn đã chuyển đổi từ tòa soạn truyền thống sang tòa soạn hội tụ và nay trong quá trình chuyển đổi thành tòa soạn số.
Nói về thực tiễn sự chuyển đổi mô hình toà soạn, nhà báo Lê Xuân Trung – Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ chia sẻ, để sản xuất được các loại hình báo chí mới, nhiều tòa soạn đã tổ chức theo mô hình tòa soạn hội tụ, từ hội tụ nguồn lực đến hội tụ quy trình để có thể kiểm soát nội dung từ đầu vào đến đầu ra một cách thông suốt, nhất quán.
Mô hình này có ưu điểm là đáp ứng được yêu cầu sản xuất đa phương tiện, đặc biệt là loại hình báo điện tử nhưng đồng thời cũng làm cho khối lượng công việc tăng lên trong khi bộ máy nhân sự không thể mở rộng tương ứng vì sẽ làm tăng chi phí. Mọi người trong tòa soạn cảm thấy áp lực tăng lên, bị cuốn theo dòng thời sự quá nhanh, quá nhiều.
Vậy làm thế nào để vẫn bảo đảm năng suất của tòa soạn hội tụ mà không gia tăng áp lực đối với đội ngũ?
Theo nhà báo Lê Xuân Trung, giải pháp khả thi nhất là tòa soạn phải ứng dụng tối đa công nghệ đi cùng với tối ưu hóa bộ máy, thay đổi quy trình vận hành, xuất bản các sản phẩm. Nghĩa là tòa soạn phải chuyển đổi số sao cho phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí.
“Khi đó tòa soạn hội tụ phát triển thành tòa soạn số để bảo đảm phát huy được nguồn lực sẵn có nhưng được thiết kế lại bài bản, hiệu quả hơn. Tòa soạn số cần kết nối và phát huy tối đa 3 trục chính: Trung tâm phát triển nội dung số; Module dữ liệu nội dung số; Module dữ liệu người dùng”, nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh.
Về toà soạn số và phân phối nội dung đa nền tảng tại Đài Tiếng nói Việt Nam, TS. Đồng Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch thường trực LCH nhà báo, Trưởng ban Ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay, với 4 loại hình báo chí là phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử, Đài Tiếng nói Việt Nam sớm hình thành mô hình tòa soạn số và tổ chức hoạt động chỉ đạo nội dung theo hướng tòa soạn số.
“Ngay từ năm 2010, sau khi số hóa các công đoạn sản xuất từ soạn thảo văn bản, biên tập đến ghi âm số, thu thanh số, ghi hình số, dựng hình số, phát sóng số, Đài Tiếng nói Việt Nam đã hình thành Cổng Tin tức VOV hoạt động như một sàn giao dịch tin tức đầu tiên trong hệ sinh thái Đài Tiếng nói Việt Nam là nền tảng thực hiện toà soạn số. Chúng tôi tiết kiệm được về con người, về thời gian cho các cuộc họp, các cuộc gọi…”, TS. Đồng Mạnh Hùng cho biết.
Về phân phối trên đa nền tảng ở Đài Tiếng nói Việt Nam, TS. Đồng Mạnh Hùng chia sẻ, hệ sinh thái nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam được hình thành gồm các thành phần là các kênh phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử truyền thống/Các ứng dụng (app) chung của Đài/Các trang web, trang thông tin điện tử, các fanpage, podcast, Youtube của các đơn vị.
Trình bày kinh nghiệm quản lý và kinh doanh nội dung số tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nhà báo Nguyễn Vũ Hoàng – Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ, Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số cho biết, trong giai đoạn chuyển đổi số, Đài Truyền hình Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự thay đổi trong thị trường tiêu dùng, cạnh tranh từ các nền tảng trực tuyến, và sự thay đổi trong hành vi người dùng.
Để nhắm tới sự thành công trong kinh doanh nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát triển một chiến lược chi tiết và toàn diện. Điều này bao gồm việc xây dựng nội dung chất lượng và đa dạng, phát triển các kênh phân phối hiệu quả, chuyển đổi nhận thức về sản phẩm và dịch vụ.
“Trong đó, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng ngày càng chuyển sang nền tảng số, Đài Truyền hình Việt Nam đã tập trung vào việc phát triển các kênh phân phối hiệu quả để đưa nội dung đến tay người dùng. Đài đã xây dựng và phát triển ứng dụng VTVGo trở thành nền tảng truyền hình số trực tuyến quốc gia, cho phép người dùng xem trực tuyến các chương trình và nội dung không những của Đài Truyền hình Việt Nam mà còn của toàn bộ các Đài PT-TH trong cả nước”, nhà báo Nguyễn Vũ Hoàng cho hay.
Là Đài truyền hình có sức ảnh hưởng lớn và là trung tâm tin tức của TP.HCM, nhà báo Ngô Trần Thịnh – Phụ trách nội dung kinh tế – công nghệ, Trung tâm tin tức Đài truyền hình TP.HCM cho biết, HTV đưa AI vào thử nghiệm nhiều khâu quan trọng trong nhà đài, đặc biệt là sản xuất chương trình thời sự. Theo đó, phóng viên sử dụng AI tổng hợp đề tài, sáng tạo nội dung dựa trên những gợi ý do phóng viên đề xuất, dàn trang bố cục và từ đó triển khai thành bản tin hoàn hảo.
Thử nghiệm ứng dụng AI trong sản xuất bản tin và các chương trình truyền hình, nhà báo Ngô Trần Thịnh nhận định đây là công cụ để bắt đầu công việc một cách dễ dàng và là gợi ý tuyệt vời cho mỗi đề tài nhưng không thể tự làm việc và đem đến kết quả tốt nếu không có sự tham gia của con người.
Thời gian gần đây, Đài truyền hình HTV đã cho sản xuất đoạn tin ngắn với sự xuất hiện của MC được tạo bởi AI và giọng lồng tiếng của MC thật. Theo nhà báo Ngô Trần Thịnh, đây là một bước tiến mới trong việc thử nghiệm áp dụng công nghệ hiện đại vào đài truyền hình vốn luôn được cho là truyền thống, khó thay đổi.
“Bản tin do MC AI dẫn dắt đã nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả và tạo sự thích thú cho người yêu công nghệ và lời khen của giới chuyên môn. Thông qua đó, người xem đang từng bước làm quen với một MC ảo và chấp nhận rằng, đây là một bước tiến trong công nghệ đối với lĩnh vực báo chí truyền thông hình ảnh MC AI”, nhà báo Ngô Trần Thịnh nhận định.
Hoà Giang – Sơn Hải