Chìa khóa khai thác sức mạnh nhân tài Việt

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ05/02/2025

Thay vì theo đuổi những nhân tài phương xa còn nhiều bất định chịu cạnh tranh gay gắt, chúng ta nên tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và khai thác hiệu quả những "nhân tài trước mặt" - nguồn lực đang hiện hữu và tiềm năng ngay trong nước.


Chìa khóa khai thác sức mạnh nhân tài Việt - Ảnh 1.

Cần chiến lược và chính sách phù hợp để thu hút nhân tài ở trong nước. Trong ảnh: học sinh TP.HCM trao đổi sau khi kết thúc kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2024 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhân tài là nguồn lực quý giá mà quốc gia nào cũng khao khát sở hữu. Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhân tài không chỉ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn là nền tảng để giải quyết các vấn đề lớn mang tính toàn cầu.

Thách thức thu hút nhân tài

Với Việt Nam, thu hút nhân tài quốc tế là một thách thức lớn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia phát triển với những chính sách đãi ngộ hấp dẫn và môi trường làm việc lý tưởng. 

Do vậy, thay vì chỉ tập trung vào việc săn tìm nhân tài từ xa, cần ưu tiên phát triển nhân tài trong nước thông qua đào tạo và quản lý là một chiến lược bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh sản phẩm khoa học công nghệ thường mang yếu tố liên ngành, đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều lĩnh vực.

Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong việc thu hút nhân tài quốc tế nằm ở sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia giàu có như Mỹ, Singapore hay Trung Quốc. Những quốc gia này không chỉ sở hữu cơ sở vật chất hiện đại, mà còn có các chính sách đãi ngộ vượt trội cùng môi trường làm việc thân thiện với sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ. Họ có thể cung cấp mức lương cao, điều kiện nghiên cứu lý tưởng, và thậm chí là các cơ hội định cư lâu dài cho nhân tài chất lượng cao.

Đứng trước những lợi thế đó, việc thu hút nhân tài chỉ dựa vào chính sách đãi ngộ là điều gần như rất thách thức đối với Việt Nam. Một giải pháp bền vững hơn là phát triển nhân tài nội địa, bởi Việt Nam không thiếu những chuyên gia, nhà khoa học và kỹ sư tài năng.

Cần chiến lược khôn ngoan

Để phát huy hiệu quả nguồn lực nhân tài nội địa, cần có một chiến lược đào tạo và quản lý khôn ngoan. Điều này đặc biệt quan trọng khi các sản phẩm khoa học công nghệ ngày càng mang yếu tố liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Một cá nhân giỏi chuyên môn hẹp có thể đạt thành tựu riêng lẻ, nhưng để tạo ra những bước tiến lớn, cần huy động sức mạnh của đội ngũ đa ngành. Vì thế, quản lý nhân tài không chỉ là việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng mà còn là xây dựng cơ chế để họ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả.

Kinh nghiệm của Israel là một bài học đáng giá mà Việt Nam có thể học hỏi. Là một quốc gia nhỏ bé, nhưng Israel đã trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới nhờ vào chính sách quản lý và phát triển nhân tài thông minh.

Israel không có nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất như các cường quốc lớn, nhưng họ đã tận dụng triệt để nguồn lực nội tại. Chính phủ Israel chú trọng xây dựng hệ thống giáo dục mang tính thực tiễn cao, khuyến khích tư duy sáng tạo và liên ngành từ rất sớm.

Họ đầu tư mạnh vào các trung tâm nghiên cứu, xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp, và quan trọng hơn, tạo ra môi trường làm việc kết nối chặt chẽ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và chính phủ. Văn hóa chấp nhận thất bại và đổi mới không ngừng ở Israel đã giúp nhân tài phát huy tối đa năng lực.

Một khía cạnh quan trọng trong cách tiếp cận của Israel là tập trung vào hợp tác đa ngành. Họ tổ chức các dự án nghiên cứu và phát triển theo nhóm, nơi các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề phức tạp.

Điều này tạo ra không chỉ những sản phẩm sáng tạo mà còn xây dựng mạng lưới gắn kết giữa các nhân tài, tăng cường tính bền vững trong hệ thống khoa học công nghệ quốc gia. Việt Nam, nếu áp dụng được mô hình này, sẽ không chỉ giúp khai thác tốt hơn nguồn lực hiện tại mà còn tạo động lực cho sự đổi mới và hợp tác.

Ở Việt Nam văn hóa hợp tác và môi trường làm việc cần được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài phát triển. Hiện nay, một số nhân tài trong nước vẫn chưa thể làm việc hiệu quả cùng nhau do tâm lý e ngại, đôi khi đố kỵ chia sẻ ý tưởng hoặc thiếu niềm tin vào đồng nghiệp.

Để thay đổi điều này, cần xây dựng môi trường làm việc cởi mở, nơi mọi ý tưởng được lắng nghe và khuyến khích. Đồng thời cần có các chính sách khuyến khích hợp tác đa ngành, như các chương trình tài trợ nghiên cứu liên lĩnh vực hoặc các dự án quốc gia lớn, tập hợp các chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau.

Sự huy động và quản lý nhân tài đa lĩnh vực sẽ tạo ra hợp lực mạnh mẽ, tương tự như các vectơ cùng phương, cùng chiều, thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiệu quả. Đây không chỉ là cách hiệu quả nhất để xây dựng nền tảng khoa học công nghệ vững chắc mà còn là chiến lược quan trọng để Việt Nam nâng cao vị thế trong kỷ nguyên đổi mới và sáng tạo.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Việc tập trung vào đào tạo và phát triển nhân tài nội địa không chỉ là một giải pháp thay thế mà còn là một chiến lược khôn ngoan và bền vững. Đầu tư vào giáo dục và đào tạo, từ cấp phổ thông đến đại học và sau đại học, là yêu cầu cấp thiết để xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao.

Hệ thống giáo dục cần tập trung phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, và đặc biệt là khả năng phối hợp liên ngành. Đồng thời việc tăng cường đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu, cải thiện chế độ đãi ngộ và công nhận những đóng góp xuất sắc sẽ giúp tạo động lực cho nhân tài phát huy năng lực.



Nguồn: https://tuoitre.vn/chia-khoa-khai-thac-suc-manh-nhan-tai-viet-20250205102955094.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available