VHO – Đình Hoành Sơn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là di tích kiến trúc nghệ thuật đầu tiên của tỉnh Nghệ An được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Sau gần 300 năm tồn tại, Đình đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng một số hạng mục, UBND tỉnh Nghệ An cho phép trùng tu, tôn tạo với dự án có tổng mức đầu tư 24 tỉ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn.
Đình Hoành Sơn thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) được xây dựng và hoàn thành năm 1763, thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Đình Hoành Sơn nổi danh bởi có nhiều chạm khắc trang trí trên gỗ độc đáo.
Tọa lạc trên diện tích khoảng 2.500 m2, đình Hoành Sơn nằm bên hữu ngạn dòng Lam, thuộc xóm 4, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Trước đây, đình có tên gọi là đình Nam Hoa, rồi đình Làng Ngang, thuộc tổng Nam Kim.
Đình Hoành Sơn xây năm 1763, Đại đình được tạo bởi 6 bộ vì với 32 cột, rộng hơn 330 m2, dựng theo lối nhà 7 gian. Nghệ thuật chạm khắc tập trung trên các cấu kiện gỗ ở xà, kẻ, con rường của đại đình. Nổi bật là hình tượng tứ linh (long, ly, quy, phượng), kế đó là đề tài minh họa điển cố, điển tích.
Ngoài việc chạm khắc các đề tài trên cấu kiện gỗ, ở gian giữa của đại đình, các nghệ nhân xưa còn tô điểm thêm bằng những bức y môn đẹp, đậm chất nghệ thuật cùng nhiều bức đại tự cổ bằng chữ Hán. Giới nghiên cứu và chuyên gia về lĩnh vực kiến trúc đánh giá đây là ngôi đình tiêu biểu của miền Trung, có nghệ thuật chạm khắc đẹp nhất cả nước.
Công trình được Thủ tướng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt năm 2017.
Trải qua biến thiên của thời gian, nhiều hạng mục, cấu kiện tại đình bị xuống cấp, hư hỏng, tỉnh Nghệ An đã đưa danh mục trùng tu đình Hoành Sơn vào đầu tư trung hạn 2021-2025, nay mới thực hiện được.
Dự án nhằm tu bổ, tôn tạo đình chính, xây dựng nhà vệ sinh, am hóa vàng, bia dẫn tích, nghi môn, tường rào, hạ tầng kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị, đồ tế khí, thi công trong 3 năm.
Theo Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Nghệ An, đình Hoành Sơn nhiều lần được sửa chữa, song đây là lần tu bổ quy mô nhất kể từ khi được xếp hạng. Khi hạ giải, Sở đã mời Cục Di sản văn hóa về đánh giá, chỉ một số cấu kiện hư hỏng nặng, không thể phục hồi mới phải thay, còn lại giữ nguyên bản để đảm bảo nét cổ kính.
Đơn vị thi công cử 15 thợ mộc lành nghề phụ trách mảng điêu khắc – điểm nhấn của đình. Với những cấu kiện gỗ bị mối mọt dưới chân hoặc ở giữa, thợ sẽ cắt bỏ phần bị hư hỏng, sau đó sử dụng khối gỗ tương ứng ghép vào bằng keo.
Ông Nguyễn Văn Quang, trú xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An có hơn 25 năm theo nghề mộc chia sẻ những chi tiết gỗ trong đình được chạm trổ rất tinh xảo. Quá trình tu sửa, ông và những người thợ phải cẩn thận, nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến những điêu khắc trên gỗ. “Với những phần gỗ bị hỏng chúng tôi sẽ tiến hành bỏ phần hỏng và lấy phần gỗ mới tương ứng với chủng loại và kích thước để đắp bù vào bằng keo. Khó nhất chính là những phần gỗ điêu khắc bị hư hỏng một phần. Chúng tôi phải điêu khắc lại các họa tiết tương ứng rồi ghép vào”, ông Quang cho biết thêm.
Đình Hoành Sơn sau khi chỉnh trang sẽ là nơi thờ tự, sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các lễ hội lớn của địa phương, phát triển du lịch.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/chi-24-ti-trung-tu-ngoi-dinh-co-gan-300-tuoi-ben-bo-song-lam-115618.html