Thực tế, 10 gói trừng phạt nhằm vào Nga đã đạt được hiệu quả tổng thể. EU gần như đã ngừng mua dầu và khí đốt trực tiếp từ Nga, dần chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng, đồng thời ngừng xuất khẩu nhiều hàng hóa và vật liệu quan trọng sang Nga. Vậy tại sao châu Âu vẫn cần gói trừng phạt thứ 11?
Gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga: Châu Âu thừa nhận một sự thật, nói lời ‘cay đắng’ về mục tiêu chỉnh đốn trong nội bộ. (Nguồn: Pemedianetwork) |
Đại diện cấp cao về chính sách An ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell làm rõ phạm vi lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và mục tiêu của EU, trong đó đề cập những đối tượng cần thực thi các biện pháp hạn chế.
Không phải “các biện pháp trừng phạt”
“Nga là trung tâm trong chiến lược ngăn chặn của chúng tôi, nhằm gây áp lực, buộc họ phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine”, ông Josep Borrell khẳng định và nói rõ rằng, dùng từ “các biện pháp trừng phạt của châu Âu nhằm vào Nga” không phải thuật ngữ chính xác, mà nên nói là “các biện pháp hạn chế”.
Theo đó, các biện pháp hạn chế của EU đối với Nga không có tác dụng ngoài phạm vi lãnh thổ, nghĩa là chúng chỉ áp dụng cho các thực thể châu Âu. Nhưng thực tế là, các lệnh hạn chế này đang bị “phá vỡ” và làm giảm hiệu quả không chỉ bởi các tác nhân bên ngoài. Và vì vậy, cuộc tranh luận hiện nay trong EU về gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga là để đưa ra những biện pháp mà châu Âu tiếp tục nên làm trong lúc này.
“Với tư cách là thành viên EU, chúng tôi không muốn mua năng lượng xuất khẩu của Nga, bởi vì chúng tôi không muốn tài trợ cho chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine. Chúng tôi cũng không muốn bán các sản phẩm công nghệ và linh kiện mà Nga cần để phục vụ cho các hoạt động quân sự”. Ông Josep Borrell cũng nói rõ rằng, những quyết định hạn chế này nhằm ràng buộc các nhà điều hành kinh tế trong nội bộ EU.
Tất nhiên ở phạm vi rộng hơn, “ngay cả khi chúng tôi muốn các quốc gia khác làm điều tương tự, chúng tôi cũng không thể ép buộc họ, bởi vì “các biện pháp trừng phạt” của chúng tôi không có phạm vi ngoài lãnh thổ EU”, Phó Chủ tịch EC nói về mong muốn.
Theo đó, ông Josep không có ý buộc tội, nhưng tỏ ý cảnh báo các thực thể ngoài EU rằng, việc họ đang cố lách các biện pháp hạn chế nhằm vào Nga là một vấn đề tế nhị. Châu Âu đã bước những bước cẩn trọng để tránh gây thù địch với các quốc gia không nằm trong phạm vi luật pháp của châu Âu.
Trên thực tế, các biện pháp hạn chế của châu Âu đã có hiệu quả tổng thể. Chẳng hạn, EU gần như đã ngừng mua dầu và khí đốt trực tiếp từ Nga, dần chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng. Và EU cũng đã ngừng xuất khẩu nhiều hàng hóa và vật liệu quan trọng sang Nga.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, thị trường chứng kiến sự gia tăng bất thường của các nước thứ ba nhập khẩu các mặt hàng vốn đang bị EU cấm, trong đó có hàng công nghệ cao. Ví dụ, xuất khẩu xe của EU sang Nga được báo cáo đã giảm 78% vào năm 2022, trong khi xuất khẩu từ EU sang Kazakhstan tăng tới 268%.
Các quốc gia thành viên EU hiện đang thảo luận gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, về cơ bản là để khắc phục các lỗ hổng, tìm cách tốt nhất nhằm loại bỏ việc lách luật và chuyển hướng buôn bán các sản phẩm bị cấm.
Theo đó, ông Josep Borrell cho biết, các đề xuất đang được thảo luận sẽ nằm trong số các biện pháp ngăn chặn khác, cho phép chống lại các thực thể cố tình phá vỡ các biện pháp của EU. Nhưng khu vực này vẫn bảo lưu nguyên tắc không áp dụng các biện pháp trừng phạt với các đối tượng bên ngoài phạm vi lãnh thổ.
Chẳng hạn, EU cũng đã thảo luận về một trường hợp cụ thể, đó là việc Ấn Độ mua dầu ngày càng nhiều từ Nga, nhưng đồng thời cũng xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm dầu mỏ sang EU, trong đó, các sản phẩm tinh chế có rất nhiều khả năng được sản xuất từ nguồn dầu giá rẻ của Nga.
Trên thực tế, Ấn Độ cũng như Trung Quốc, đang nhập khẩu khối lượng dầu Nga – lớn hơn bao giờ hết từ khi G7 đưa ra mức trần giá vào cuối năm 2022. Họ có quyền làm như vậy bởi mức chiết khấu khá “béo bở”.
Các số liệu cho thấy, nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga đã tăng từ 1,7 triệu thùng/tháng vào tháng 1/2022 lên 63,3 triệu thùng/tháng vào tháng 4/2023. Hay nói cách khác, trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, tỷ trọng dầu của Nga trong tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ là 0,2%, nhưng tỷ lệ đó đã tăng lên 36,4%, khi ghi nhận vào tháng trước.
Về việc này, Phó Chủ tịch EC Josep Borrell thẳng thắn chỉ ra, đây chắc chắn là một sự gia tăng đáng chú ý, nhưng chúng ta phải rõ ràng. “Người ta không thể đổ lỗi hay đặt câu hỏi về quyền của Ấn Độ có được làm như vậy hay không, bởi vì các nhà mua hàng Ấn Độ không phải đối tượng phải tuân theo luật pháp châu Âu”, ông Josep nói.
Nhìn nhận vấn đề theo cách lạc quan hơn, ông Borrell cho rằng, giới hạn giá năng lượng của G7 nhằm mục đích giảm doanh thu dầu mỏ của Nga và cùng với đó là hạn chế các phương tiện tài chính của Kremlin nhằm tài trợ cho chiến dịch quân sự. “Nhưng như tôi đã nói, Việc Ấn Độ mua dầu của Nga là chuyện bình thường. Và nếu, nhờ những hạn chế của chúng tôi về năng lượng, Ấn Độ có thể được mua dầu với giá rẻ hơn nhiều, thì tức là doanh thu của Nga cũng đã giảm đáng kể”.
Mục tiêu “chỉnh đốn” nội bộ?
Vấn đề hiện đang được tranh cãi liên qua nhiều hơn đến việc cần phải làm gì tiếp theo và bởi ai?
Một thực tế khác không thể phủ nhận, đó là Ấn Độ đang xuất khẩu ngày càng nhiều hơn các sản phẩm dầu tinh chế, dựa trên nguồn dầu mỏ của Nga. EU muốn ngăn chặn chính xác việc nhập khẩu những sản phẩm có nguồn gốc như vậy.
Ở đây một lần nữa những con số đã cho thấy rõ, xuất khẩu các sản phẩm tinh chế như nhiên liệu máy bay hoặc dầu diesel từ Ấn Độ sang EU đã tăng từ 1,1 triệu thùng vào tháng 1/2022 lên 7,4 triệu thùng vào tháng 4/2023. Về mặt logic, EU đang lo ngại điều này.
Trước đó, ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, cũng đã có lý khi nói, họ có đủ bằng chứng cho thấy một số công ty quốc tế đang mua các sản phẩm dầu tinh chế có nguồn gốc từ dầu Nga và bán lại cho châu Âu…
Nhưng, một lần nữa, “người đáng trách” không phải là Ấn Độ. Sau khi dầu mỏ được tinh chế, những sản phẩm cuối cùng không còn được coi là của Nga mà là của Ấn Độ. Chúng tôi không thể ngăn cản các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ bán chúng cho một nhà điều hành EU hoặc cho một bên trung gian. Điều đó hoàn toàn hợp pháp.
Rõ ràng là về mặt thực tế, điều này làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp hạn chế của chúng tôi. Chúng tôi ở EU không mua dầu của Nga, nhưng chúng tôi mua dầu diesel được tinh chế từ nguồn dầu Nga và từ một đối tác khác. “Việc này đã phá vỡ các biện pháp trừng phạt của EU. Các quốc gia thành viên nên thực hiện đầy đủ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga để đạt được mục tiêu”, ông Josep Borrell kêu gọi.
Nhưng cuối cùng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc này – người bán hay người mua?
“Khi tôi nêu vấn đề về việc Ấn Độ xuất khẩu các sản phẩm tinh chế dựa trên nguồn dầu giá rẻ hơn của Nga, không phải để chỉ trích Ấn Độ mà để nói rằng, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước cách lách lệnh trừng phạt của chính các công ty EU – mua dầu tinh chế của Ấn Độ”, vị Phó Chủ tịch EC nhấn mạnh.
Cuối cùng, theo ông Josep Borrell, từ câu chuyện thực tế này cho thấy, trước tiên phải xem xét cụ thể những việc các nhà điều hành kinh tế trong nội bộ EU đang làm. “Nếu các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang bán, đó là vì có các công ty châu Âu đang mua, trực tiếp hoặc thông qua trung gian. Chúng ta nên nhận thức rõ cuộc sống thực tế phức tạp như thế nào và cố gắng tìm kiếm các giải pháp trên cơ sở đó”.