Châu Âu đã mất vị trí thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới vào tay khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) nơi Trung Quốc dẫn đầu, tờ Financial Times (Anh) đưa tin hôm 28/8.
Financial Times dẫn dữ liệu từ Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cho biết, châu Âu chiếm khoảng 47% trong tổng số 64,3GW tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu vào năm 2022, 53% còn lại là ở khu vực APAC – nơi chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm gần 49% tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu.
Thực ra sự thay đổi về vị thế dẫn đầu trên thị trường này đã bắt đầu kể từ năm 2021, khi châu Âu chiếm 50% trong tổng số 55,9GW công suất lắp đặt tích lũy, GWEC cho biết trong báo cáo mới nhất của mình về thực trạng thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu.
“Việc bổ sung công suất điện gió ngoài khơi trong thời gian tới dự kiến sẽ tương đối chậm… do mức độ hoạt động thấp hơn ở các thị trường lâu đời ở Biển Bắc… cũng như tác động của điều kiện thị trường đầy thách thức hiện nay”, báo cáo cho biết.
GWEC cho biết thêm rằng châu Âu khó có thể lấy lại vị trí là thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới trong 10 năm tới, mặc dù công suất lắp đặt hàng năm trong khu vực “dự kiến sẽ vượt qua APAC từ năm 2030”.
Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của châu Âu đã gặp khó khăn khi các vấn đề về chuỗi cung ứng và lãi suất cao sau đại dịch và xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng chi phí của mọi thứ từ tuabin đến nhân công và các khoản vay. Điều đó đã dẫn đến thua lỗ ở các nhà sản xuất tuabin và các dự án bị hủy bỏ khi bài toán kinh tế không còn ý nghĩa nữa.
Tháng trước, công ty điện lực nhà nước Thụy Điển Vattenfall đã tạm dừng kế hoạch xây dựng trang trại phong điện Norfolk Boreas ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Anh, viện dẫn rằng chi phí tăng đồng nghĩa với việc dự án không còn khả thi nữa.
Đầu tháng này, Siemens Energy cho biết họ dự kiến sẽ lỗ 4,5 tỷ euro trong năm nay do phải vật lộn để khắc phục hoạt động kinh doanh tuabin gió đang gặp khó khăn của công ty con Siemens Gamesa.
Những thách thức này có nghĩa là châu Âu dự kiến sẽ chứng kiến công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi thấp hơn trong 5 năm tới so với dự báo trước đó. GWEC cho biết, họ dự kiến châu Âu sẽ bổ sung tổng công suất điện gió ngoài khơi là 34,9GW từ năm 2023 đến năm 2027, giảm so với mức 40,8GW được dự kiến trong báo cáo năm ngoái.
Khu vực APAC dự kiến sẽ bổ sung thêm 76,1GW trong cùng kỳ, nhờ sự thúc đẩy từ Trung Quốc. Gã khổng lồ châu Á sẽ chiếm 84% mức tăng thêm.
Ở châu Âu và Mỹ, các dự án gió ngoài khơi đã bị trì hoãn hoặc bị đình trệ vô thời hạn “do các quy định cấp phép không đầy đủ và kém hiệu quả”, bà Rebecca Williams, người đứng đầu bộ phận điện gió ngoài khơi tại GWEC cho biết. “Những yếu tố này đã tạo ra sự không chắc chắn và buộc các nhà phát triển phải xem xét lại khả năng tồn tại của dự án của họ, thậm chí trong một số trường hợp phải ngừng phát triển”.
“Những chính sách kém hiệu quả như vậy tập trung vào việc cạnh tranh giảm giá, và cùng với các quy định về hàm lượng địa phương không thực tế và không thể đạt được, sẽ làm tăng thêm chi phí cho các dự án và làm chậm tốc độ triển khai điện gió ngoài khơi cần thiết để thế giới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0”, bà nói.
Minh Đức (Theo Financial Times, The Telegraph)