Ả Rập Xê-út hôm 4/6 cho biết, họ sẽ giảm sản lượng khoảng 10%, tương đương 1 triệu thùng mỗi ngày, xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Đây được cho là mức sản lượng thấp, bởi công suất đầu ra của quốc gia này lên tới gần 12 triệu thùng/ngày.
Với việc các thành viên OPEC + khác duy trì hạn chế nguồn cung hiện tại cho đến cuối năm 2024, tổng hạn ngạch cắt giảm của liên minh này đã giảm sâu xuống 4,7 triệu thùng/ngày (khoảng 5% công suất toàn cầu) trong tháng 7.
Tuy nhiên, nhiều thành viên OPEC+ từ lâu đã không đạt được mục tiêu sản lượng trong nhiều năm, do đó, mức giảm thực tế có thể thấp hơn nhiều.
Bên cạnh đó, nhu cầu dành cho mặt hàng này đang tăng trưởng ở mức vừa phải do bất ổn kinh tế, trong khi sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC như Mỹ, Canada, Brazil, Na Uy và Guyana vẫn duy trì ổn định, giúp hạn chế những lo ngại về nguồn cung ở khu vực châu Á, theo S&P Global.
Thị trường ít biến động
Tại Hàn Quốc, 2 nhà máy lọc dầu lớn cho rằng sẽ không có bất kỳ sự cắt giảm hoặc điều chỉnh phân bổ dầu thô có thời hạn nào đối với các thùng dầu của Ả Rập Xê-út trong tháng 7, vì Saudi Aramco (một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu tại Ả Rập Xê-út) thường ưu tiên cho khách hàng châu Á.
“Cho đến nay, chúng tôi chưa được thông báo về bất kỳ thay đổi nào đối với việc dỡ bỏ dầu thô của Saudi trong tháng 7”, S&P Global trích dẫn quản lý một nhà máy lọc dầu lớn của Hàn Quốc cho biết.
Theo đại diện một nhà máy lọc dầu quốc doanh của Thái Lan, lượng dầu thô mà quốc gia này nhập khẩu từ Ả Rập Xê-út trong tháng 7 và khoảng thời gian sau đó dự kiến vẫn sẽ ổn định.
“Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ đang mua ít hơn nhiều từ Ả Rập Xê-út trong những ngày này, vì vậy việc cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày của Saudi Aramco trong tháng 7 chưa chắc đã làm thay đổi nguồn cung cho những người mua lớn khác, ít nhất là ở Đông Á”, vị quản lý này cho biết.
Ngoài ra, việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê-út sẽ có ít tác động đến Ấn Độ, vì tỉ trọng dầu của Nga trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ hiện đã tăng lên 42%.
Dữ liệu ban đầu cho thấy lượng dầu thô Nga nhập vào các nhà máy lọc dầu Ấn Độ trong tháng 5 đạt mức cao nhất mọi thời đại, ở mức gần 2,0 triệu thùng/ngày, vượt qua lượng mua của Iraq và Ả Rập Xê-út cộng lại. Dự kiến, lượng nhập khẩu này có thể chiếm khoảng 40% đến 45%, tương đương khoảng 2 triệu – 2,5 triệu thùng/ngày trong thời gian tới.
Tại Trung Quốc, khối lượng nhập khẩu dầu thô của Nga từ tháng 1 đến tháng 4/2023 đã tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 1,98 triệu thùng/ngày.
Cơ hội xuất khẩu
Theo các nhà phân tích, động thái mới nhất của Ả Rập Xê-út mở ra cơ hội cho các lô hàng xuất khẩu của Mỹ và Mỹ Latinh sang châu Âu và châu Á, đồng thời củng cố niềm tin cho các nhà sản xuất Mỹ rằng Ả Rập Xê-út sẽ đưa ra mức giá thấp hơn nếu nhu cầu dầu giảm do suy thoái.
Xuất khẩu chiếm khoảng 1/3 sản lượng của Mỹ, ngay cả khi dự trữ dầu thô của nước này giảm xuống gần mức thấp được ghi nhận là 815 triệu thùng.
Việc Ả Rập Xê-út sẵn sàng cắt giảm sản lượng sâu hơn – sau khi cắt giảm 500.000 thùng/ngày trước đó có hiệu lực vào tháng 5 – sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Vương quốc này, thường giảm vào mùa hè.
Paul Sankey, nhà phân tích độc lập tại Sankey Research ở New York, cho biết: “Điều quan trọng là họ cắt giảm vào mùa hè, nhu cầu nội địa của quốc gia này đang ở mức cao nhất. Tôi cho rằng điều đó nghĩa là họ sẽ phải cắt giảm lượng hàng xuất khẩu”.
Việc cắt giảm sản lượng tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến giá cả, nhưng nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất khác cũng đang tăng lên. Doanh số bán dầu thô của Mỹ sang châu Á cũng vẫn tăng trưởng tốt kể từ đầu năm. Điều này sẽ giảm bớt một số lo ngại về nguồn cung cho khu vực, S&P Global cho biết.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng 1,5 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao kỷ lục hàng tháng là 4,8 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Châu Á chiếm 43,6% xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tháng 3, giảm từ 44,5% trong tháng 2, nhưng tăng so với 43% một năm trước đó. Trung Quốc là điểm đến hàng đầu của dầu thô Mỹ trong tháng 3, với trung bình 1,0 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu của S&P Global.
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, S&P Global)