Những ngày qua, Hà Nội luôn trong tình trạng được cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí rất cao, mức độ tăng dần, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Suốt một tuần nay, chị Hoa (35 tuổi) lo lắng bởi con gái nhỏ 3 tuổi liên tục sổ mũi, ho, xuất hiện cơn hen. Chị chia sẻ con gái mắc hen suyễn bẩm sinh vì vậy mỗi khi thời tiết thay đổi thường xuất hiện cơn hen.
“Tuần gần đây, tôi theo dõi thì thấy chất lượng không khí ở Hà Nội liên tục ở mức xấu nên rất lo lắng. Thậm chí còn cho con ở nhà, không ra ngoài nhưng con vẫn lên cơn hen, ho, sổ mũi. Sống ở thành phố, tôi sợ nhất mỗi khi thời tiết thế này”, chị Hoa bộc bạch.
Tại Bệnh viện Phổi trung ương, lãnh đạo bệnh viện cũng cho hay thời gian gần đây người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đến thăm khám gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết giao mùa, ô nhiễm không khí gia tăng.
Mới đây, Bộ Y tế có khuyến cáo các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 151-200) và mức rất xấu (AQI ở mức 201-300). Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần theo dõi các thông tin chất lượng không khí hằng ngày để có biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp.
Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo với chất lượng không khí ở mức xấu, người dân cần hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.
Đồng thời nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình ở gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.
Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Bên cạnh đó, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201-300), những người nhạy cảm cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Bên cạnh đó, đối với những người theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chat-luong-khong-khi-o-muc-xau-benh-ho-hap-rinh-rap-20250110080131953.htm