Từ bỏ lương nghìn đô
Đến thăm cơ sở sản xuất tương ớt của anh Lê Minh Cương (31 tuổi, trên đường Bà Triệu, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) những ngày cuối năm 2023, không khí tại đây khá rộn ràng, từ ông chủ đến công nhân đang hối hả làm tương ớt, cho ra những mẻ hàng để phục vụ bà con gần xa đón Tết.
Dẫn chúng tôi thăm khu chế biến tương ớt, anh Cương cho biết, cơ duyên đến với công việc làm tương ớt khá tình cờ. Gần 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành du lịch tại một trường đại học ở Singapore, anh về TP Hồ Chí Minh làm việc cho một công ty nước ngoài, với mức lương thời điểm đó được xem là khá ổn.
Mặc dù được trả mức lương nghin đô, tuy nhiên, sau khoảng 2 năm gắn bó (năm 2016) anh đã quyết định xin nghỉ việc tại công ty này, khăn gói về quê Thanh Hóa.
“Sở dĩ tôi đưa ra quyết định đó là bởi, trong những lần về quê, thấy cây ớt bà con trồng được bị rớt giá, thậm chí bán không được và phải vứt đầy ruộng. Từ đó, trong tôi lóe lên suy nghĩ, làm cách gì để giúp người dân tiêu thụ được ớt. Cũng từ đó, ý nghĩ về làm tương ớt luôn thôi thúc tôi” – anh Cương chia sẻ.
Cũng theo anh Cương, nghĩ là một chuyện, còn làm lại là chuyện khác, bởi nếu bắt tay vào làm tương ớt thì cần làm những gì, bằng cách nào. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với quyết tâm làm cho bằng được, anh đã tìm hiểu cách làm, khảo sát thị trường hiện tại. Qua đó anh nhận thấy, trên thị trường có khá nhiều dòng tương ớt, tuy nhiên đa phần là tương ớt được sản xuất theo quy mô công nghiệp có chứa chất phụ gia. Trong khi đó, dòng tương ớt truyền thống lại rất ít.
Từ những phân tích trên, anh quyết định tìm hiểu, mày mò và nghiên cứu làm tương ớt truyền thống. Ban đầu là tìm kiếm thông tin trên mạng, sách báo, sau rồi tham khảo cách tương ớt truyền thống của những người có kinh nghiệm…
”Khi trang bị cho mình cơ bản kiến thức về làm tương ớt, tôi bắt tay vào làm. Thật sự, giữa lý thuyết và thực hành khác nhau nhiều lắm, tôi mất nhiều tháng ròng, với hơn 40 lần làm tương ớt thử nghiệm nhưng đều thất bại, cũng rất may sau đó, ở những lần thử nghiệm tiếp theo, sản phẩm đã thành công” – anh Cương nhớ lại.
Theo anh Cương, việc thử nghiệm thành công tương ớt không phụ gia mới chỉ là bước đầu, bởi quá trình làm tương ớt còn gặp phải nhiều khó khăn khác như: cây ớt tại Thanh Hóa chỉ có một mùa vụ mỗi năm; thời gian thu hoạch ớt cần thật nhanh (tránh ớt bị hỏng), ngoài ra các vấn đề về vốn, con người, máy móc, thị trường… cũng là những trở ngại không hề nhỏ.
Cho ra lò hàng chục nghìn chai mỗi năm
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, tuy nhiên anh Cương đã chọn cách gỡ từng “nút thắt”, và rồi trải qua một quá trình, những chai tương ớt mang tên “Spico – ớt Việt, hồn Việt” chính thức ra đời. Theo anh Cương, để ra được tương ớt hoàn chỉnh, anh phải trải qua 12 bước, từ thu hoạch ớt, chế biến, ủ lên men…, đóng gói và cung ứng ra thị trường.
Cùng với việc cho đời sản phẩm tương ớt của mình, anh Cương đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu ớt an toàn, tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trải qua nhiều năm, đến nay, công ty anh đã cho ra đời nhiều sản phẩm như: tương ớt vị Bắc, tương ớt vị Nam, tương ớt ít cay, tương ớt cay đặc biệt, tương chay và tương ớt cho trẻ em.
“Hiện nay, mỗi năm công ty tiêu thụ khoảng từ 8 đến 10 tấn ớt, nguyên liệu chủ yếu nhập của bà con ở các huyện như Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thạch Thành. Mỗi năm, công ty xuất bán ra thị trường khoảng 50.000 chai tương ớt các loại, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng từ 10 đến 15 lao động” – anh Cương cho hay.
Cũng theo anh Cương, năm 2022 sản phẩm tương ớt Phúc Lộc Thọ và tương cà chua của công ty anh đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Kể về dự định trong tương lại, anh Lê Minh Cương cho biết, anh mong muốn thời gian tới sẽ mở rộng quy mô, mở rộng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm nhiều hơn cho bà con nông dân. Ngoài ra, anh cũng ấp ủ sẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác từ những nông sản được trồng trên chính quê hương Thanh Hóa, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng không những trong nước mà cả nước ngoài. Thông qua đó, cũng để quảng bá về con người, đất nước và ẩm thực của Việt Nam.