Lời tòa soạn:

Việt Nam không chỉ là điểm đến yêu thích của nhiều du khách mà còn được nhiều người nước ngoài chọn làm nơi để sống và làm việc. Một số người nước ngoài nói tiếng Việt rất giỏi và am hiểu văn hóa Việt Nam.

Báo VietNamNet giới thiệu tuyến bài Tây nói tiếng ta, chia sẻ với độc giả một số câu chuyện người nước ngoài sống ở Việt Nam, nói tiếng Việt giỏi và dành tình cảm sâu sắc cho đất nước, con người Việt Nam.  

Năm 2015, trong một lần từ Bỉ sang thăm anh trai sống ở Thái Lan, Pim Gilles Felix Pluut “nhân tiện” ghé Việt Nam du lịch. Anh chọn Đà Nẵng là điểm đến của mình. 

Ngay lập tức, chàng trai 21 tuổi khi ấy “mê liền” và muốn ở lại nơi này. “Đà Nẵng có núi, có biển, có đồ ăn ngon và con người thân thiện” – Pim Nguyễn (tên hiện tại Pim đặt cho mình) chia sẻ.

Gần như ngay lập tức, Pim tìm cách học tiếng Việt từ những người xung quanh.

Pim sang Việt Nam vào năm 2015, ban đầu chỉ dự định đi du lịch

Anh dành 6 tháng để đi du lịch, khám phá Đà Nẵng và một số tỉnh thành ở Việt Nam trước khi làm công việc dạy tiếng Anh và tiếng Pháp cho người Việt.

Trừ 2 năm về Bỉ để tránh dịch Covid-19, tính đến nay, Pim đã sống ở Việt Nam gần 7 năm. Quãng thời gian đủ dài để anh rèn luyện khả năng sử dụng tiếng Việt thành thạo, thậm chí trở thành một TikToker có tiếng với gần 200 nghìn người theo dõi. 

Pim nói: “Tiếng Việt khá đơn giản về ngữ pháp nhưng khó ở phát âm. Lúc mới học, tôi gặp vấn đề khi phát âm dấu câu nên khi tôi nói, mọi người không hiểu. Ngoài ra, từ vựng tiếng Việt rất phong phú, rất nhiều từ khác nhau có cùng một nghĩa”.

Để đạt được kỹ năng tiếng Việt như hiện tại, theo Pim, yếu tố quan trọng nhất là anh có môi trường giao tiếp tiếng Việt hàng ngày. 

Ở Việt Nam, Pim thường xuyên được khen về khả năng tiếng Việt của mình. Thậm chí, ngày xưa khi mới nói được vài câu, anh đã được khen là nói tiếng Việt giỏi. “Người Việt rất hào phóng với lời khen khiến tôi khá bất ngờ”.

“Không ấn tượng với phở”

Sống ở Việt Nam 7 năm, Pim mới ra Hà Nội 2 lần. Khi nói về ẩm thực, Pim nói anh thích nhiều món Việt Nam nhưng không có phở như nhiều người nước ngoài khác. 

“Có thể tôi không chọn đúng quán ngon nhưng tôi không ấn tượng lắm với phở. Tôi thích bún bò, bún riêu, bún chả, mì Quảng,… hơn”.

Giống như nhiều người nước ngoài, hồi mới sang Việt Nam, Pim thấy giao thông là một cú sốc. “Nó giống như một dòng chảy liên tục và nhiều người lái khá ẩu”. 

Không những thế, anh thấy một số người tham gia giao thông với một thái độ khá “cứng đầu”. “Họ lái ẩu nhưng khi sai thì không muốn xin lỗi”. Tuy nhiên, ngoài điều đó ra thì người Việt Nam hầu hết đáng yêu, Pim nhận xét.

Pim thích ẩm thực Việt Nam nhưng không ấn tượng với món phở

Người Việt cũng thích giao tiếp và kết nối với nhau. “Người Bỉ cũng thân thiện nhưng rụt rè hơn khi tiếp xúc với người lạ. Mùa đông ở Bỉ rất lạnh nên hầu như mọi người chỉ ở trong nhà, không muốn ra ngoài, không muốn nói chuyện với ai”.

Trong khi nhiều người trẻ đang nỗ lực rất nhiều để được học tập, sinh sống ở châu Âu, Pim thì ngược lại. Anh nói mình ưa khám phá thiên nhiên. Ở Việt Nam có núi, rừng, sông, suối rất nhiều. Anh cũng thích thời tiết Đà Nẵng hơn mùa đông ở Bỉ.

Ba năm nay, anh chọn ăn chay. “Ở Việt Nam có rau củ quả rất đa dạng, giá lại rẻ, quán chay cũng nhiều, phù hợp với sở thích ăn uống của tôi”. Những yếu tố đó khiến anh chọn Việt Nam là nơi sinh sống đến bây giờ.

Trong những video trên kênh TikTok, Pim cho thấy mình gần như đã là người Việt khi anh tự tay nấu bún chả, canh chua, cơm tấm,… Sự hiểu biết của Pim về Việt Nam cũng đạt đến “trình độ” khá sâu sắc trong những video hài hước.

Chấp nhận sự khác biệt trong hôn nhân

Pim kết hôn với vợ người Đà Nẵng cách đây 2 năm

Năm 2022, Pim kết hôn với bạn gái lâu năm người Việt. Hôn nhân khiến cả hai phải trải qua nhiều cảm xúc thăng trầm vì những khác biệt về lối sống, văn hóa. 

“Ví dụ như chuyện khi nào thì kết hôn. Ở Bỉ, theo quan sát của tôi với những người xung quanh mình, rất nhiều cặp đôi sống chung, sinh con rồi mới đi đến hôn nhân. Chúng tôi coi kết hôn là việc rất hệ trọng, chứ không phải cứ yêu nhau là kết hôn. Nhưng ở Việt Nam, mọi người kết hôn sớm và gần như cặp nào rồi cũng kết hôn”.

Yêu cô gái người Việt từ khi mới sang Việt Nam, duy trì tình yêu đó suốt 7 năm, ban đầu Pim cũng gặp áp lực từ bạn gái. “Cô ấy nói em già rồi, vì cô ấy hơn tôi 5 tuổi”.

Nhưng sau đó, nhờ chia sẻ và hiểu nhau hơn, bạn gái Pim không còn coi kết hôn là việc buộc phải làm nữa. “Mãi đến năm 2022, khi cô ấy 33 tuổi, chúng tôi mới kết hôn” – Pim nói.

Hiện tại, cuộc sống hôn nhân của anh đã “êm đềm” hơn rất nhiều sau một thời gian dài cả hai gắn bó, sẻ chia và chấp nhận sự khác biệt của nhau. 

Ảnh và video: Nhân vật cung cấp

Vietnamnet.vn

Nguồn: https://vietnamnet.vn/chang-re-nguoi-bi-yeu-viet-nam-tiet-lo-dieu-khong-ngo-ve-mon-pho-2323901.html