Đỗ Việt Anh (sinh năm 2002, Hà Nội) từng có một thời THPT đáng tự hào. 9 năm liền em giữ vị trí lớp trưởng, luôn nằm trong top học sinh học giỏi, xuất sắc của lớp. Bởi thế, trong kỳ thi lớp 10 năm học 2016 – 2017 em tự tin đăng ký vào một trường THPT điểm ở thành phố.
Việt Anh luôn tin tưởng rằng mình sẽ đỗ vào ngôi trường mong muốn. Từ khi thi xong em chưa từng nghĩ sẽ trượt, thế nên, ngày nhận kết quả báo “không đỗ”, em cảm thấy cả bầu trời gần như sụp xuống.
“Hôm ấy, 8h sáng em bắt đầu tra điểm thi và sững sờ khi biết mình đã bị trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội. Chiếc bánh mì em đang ăn dở trên tay rơi xuống đất. Đáng nói, lớp có 46 bạn thì 45 người đỗ, một mình em là lớp trưởng lại trượt”, Việt Anh nhớ lại.
Chuỗi ngày sau đó là những vết trượt dài từ áp lực gia đình, bạn bè, khiến em thu mình lại vì không có chỗ bám víu. Gia đình em cũng không chấp nhận được sự thật con trai thi trượt lớp 10, mẹ Việt Anh còn tưởng em đang nói đùa. Bố em thì trở nên trầm ngâm, lặng lẽ.
Lúc đó, Việt Anh nghĩ 9 năm học tập của mình thành công cốc, em không biết nên đối diện với bố mẹ như thế nào, em thất vọng về bản thân mình. Hôm sau, mẹ em đưa em đến một trường tư thục để đăng ký học.
Những ngày đầu học ở ngôi trường là “phương án thứ hai”, Việt Anh thu mình, không tiếp xúc với ai. Kết thúc giờ học, em vội vã trở về nhà. Mọi thứ dần thay đổi khi Việt Anh được cô giáo chủ nhiệm giao phó trách nhiệm lớp trưởng và động viên em tham gia các hoạt động tập thể.
“Trong em lúc đó có 2 luồng suy nghĩ đấu tranh nhau. Một là: mình là một đứa trượt THPT, làm lớp trưởng nói ai người ta nghe hay nể. Suy nghĩ khác là: Thôi cứ làm đến đâu thì làm, cố được đến đâu thì cố. Nhưng rồi, được sự động viên của cô giáo chủ nhiệm, em đã nhận lời” – Việt Anh kể.
Dần dần nam sinh cởi mở hơn, bỏ lại sau lưng nỗi ám ảnh thi trượt lớp 10. Việt Anh cảm thấy may mắn vì luôn có gia đình, bạn bè và thầy cô bên cạnh, tiếp thêm động lực để vượt qua khủng hoảng đầu đời.
Cho đến bây giờ, khi nhìn lại quãng thời gian ấy, Việt Anh cho rằng đó là một cột mốc đáng nhớ, vừa là cú sốc, cú ngã đau đớn, nhưng cũng cho em cơ hội để nhìn nhận, trưởng thành và bứt phá bản thân. Tạm gác lại quá khứ, em lấy đó làm động lực để phấn đấu cho những mục tiêu xa hơn trong tương lai.
Hiện tại, Đỗ Việt Anh là sinh viên năm thứ 3, chuyên ngành Luật Kinh doanh, trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chàng trai Hà Nội cho rằng, việc đứng dậy sau thất bại, thi đỗ vào trường đại học có tiếng là một thành công khiến em hãnh diện và tự hào.
Thời điểm ôn thi đại học, Việt Anh vẫn tự nhắc nhở bản thân bài học về cú ngã thi trượt trong quá khứ. “Câu chuyện đó cho em thêm sự quyết tâm và sức mạnh để đạt được mục tiêu. Em nghĩ mình đã từng vượt qua sự thất bại một lần rồi nên không có gì phải sợ hãi, chỉ cần làm hết sức. Và em đã thực hiện được mục tiêu vào trường đại học đúng nguyện vọng“, em bộc bạch.
Lên đại học, Việt Anh tập trung thời gian cho việc học, năng nổ tham gia các hoạt động chung. Em là cộng tác viên ban Đối ngoại của Hội sinh viên trường, đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc năm thứ nhất và năm hai, năm thứ ba em đạt giải Nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.
Chia sẻ phương pháp học tập, Việt Anh nói rằng em có một quyển sổ để ghi lại những ý chính khi giảng viên giảng bài, sau đó tự xâu chuỗi lại, viết thành tài liệu hoàn chỉnh để ghi nhớ lâu hơn.
Trước mỗi kỳ thi, em đều ôn luyện kỹ trước khoảng 1 tháng. Khi có thời gian ôn tập nhiều, em sẽ hiểu kiến thức sâu và lâu hơn. Đó cũng là cách để em bước vào kỳ thi với tâm thế tự tin nhất.
Việt Anh nhận thấy, môi trường đại học đòi hỏi sinh viên tự lập, tự giác cao hơn. “Em tự đặt mục tiêu cho mình để trau dồi được nhiều kĩ năng, tích lũy hiểu biết. Đặc biệt là kiến thức chuyên môn ngành Luật. Nếu sở hữu nền tảng tốt từ khi còn học đại học sẽ giúp cho em có rất nhiều thuận lợi khi bước ra thị trường lao động sau này“, Việt Anh tâm sự thêm.
THI THI
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ