‘Họ hàng bình luận ngoài lề, vô thưởng vô phạt hoặc lộ ra việc riêng gia đình. Tôi đặt giới hạn người xem để nhóm gia đình không đọc cho đỡ phiền hà’.
Đó là chia sẻ của anh Duy khi đọc bài viết Không chỉ nói chuyện nhát gừng, con cái chặn luôn Facebook ba mẹ cho… trời yên biển lặng. Nhiều bạn đọc bày tỏ nên có sự riêng tư, tôn trọng con cái trên không gian mạng xã hội.
Đặt chế độ giới hạn người xem bài viết trên Facebook
Anh Duy cho rằng nói chuyện trên mạng với người lạ nếu không hợp ý còn đấu khẩu, hủy kết bạn. Nhưng làm vậy với họ hàng sẽ bị cho là hỗn.
Theo anh, bạn trẻ có thể dùng tính năng giới hạn người khác xem dòng trạng thái Facebook của mình. Anh không chặn hay khóa tính năng kết bạn với người trong họ, nhưng Facebook anh chủ yếu là bạn bè ngoài gia đình.
Anh kể có những lần đăng status, họ hàng vào bình luận chuyện ngoài lề, vô thưởng vô phạt hoặc lộ ra việc riêng gia đình. Do đó anh đặt giới hạn người xem để nhóm gia đình không ai đọc được, cho đỡ phiền hà.
“Những nhóm tin nhắn của gia đình, chủ yếu người lớn vào buôn chuyện, nhắn suốt cả ngày những chuyện không liên can tới mình.
Khóa bớt thông báo để tập trung công việc chẳng có gì sai. Thông báo có đám hay gì thì đánh dấu (tag) hiển thị là được”, anh chia sẻ.
Bạn đọc An chia sẻ có những bậc cha mẹ nghĩ muốn tốt cho con nên mới theo dõi chặt chẽ trên Facebook. Con đang trò chuyện bạn bè trên mạng, cha mẹ vào nhắc nhở. Khi đó, cả bạn bè, thầy cô, họ hàng, hàng xóm… trên Facebook đều biết.
“Việc đó không đáng, không phải là thể hiện tình yêu thương. Đó là cái tôi, tự cho mình là cha mẹ tốt, luôn quan tâm con”, anh nhận xét. Anh An nhắn nhủ người lớn nên đặt mình vào vị trí của con để hiểu cảm giác bị nhắc nhở như vậy.
Theo anh, việc yêu thương và dặn dò con phải thật khéo, đúng nơi, đúng thời điểm. Và không nên nhân danh yêu thương để trói buộc, đặt con vào tình thế khó xử.
Còn theo chị Minh Thu, người trẻ và cha mẹ khó tìm được tiếng nói chung trên mạng xã hội. Giới trẻ có các xu hướng, từ ngữ, cách diễn đạt khác với người lớn tuổi.
Chị kể hôm trước ngán mấy món ở quán nên mua xôi ăn sáng. Chị chụp nhí nhảnh đăng Facebook than nghèo kể khổ tưng tửng.
Người cô ở quê bình luận động viên rằng hoàn cảnh không bằng bạn bằng bè, cần cố gắng này kia…
Thực tế, nhiều trường hợp con cái chặn Facebok cha mẹ chỉ là để họ khỏi thấy những suy nghĩ riêng, chứ không phải là từ chối sự quan tâm của cha mẹ. “Chuyện gì cũng nên xét kỹ tình huống, đừng vội lên án”, anh Thanh Tùng nhắn nhủ.
Đồng cảm, chị Lan kể đồng nghiệp gen Z của chị chia sẻ rằng cha mẹ thấy bài đăng Facebook nào không vừa lòng là bị la. Chị đăng ảnh mặc đồ thoáng chút xíu cũng la.
“Bạn ấy hiếu thảo, rất thương ba mẹ, ngoan ngoãn lễ phép… nhưng vẫn chặn ba mẹ khi đăng bài. Giới trẻ bây giờ khác xưa rồi. Hãy tin tưởng con cái và đừng áp đặt những tiêu chuẩn cũ vào con”, chị viết.
Nhiều nguyên nhân cha mẹ, con cái không hợp nhau trên Facebook
Sống cùng con gái đang học đại học và hai cháu họ, chị hanh****@gmail.com (48 tuổi) đúc kết nhiều lý do con cháu tránh né, có khoảng cách với ông bà, cha mẹ.
“Con trưởng thành nhưng nhiều gia đình vẫn quan tâm quá mức, giám sát nghiêm ngặt đến mức tù túng, mất tự do. Con không chịu nổi nên phản ứng”, chị nhận định.
Ngược lại, nhiều gia đình thiếu quan tâm con từ nhỏ. Trong một số ngôi nhà, con cái thân với người giúp việc còn hơn cha mẹ. Cha mẹ đi làm từ sáng tới tối, có người về rồi lại đi nhậu, tìm niềm vui riêng…
Một số người mang việc về nhà hoặc làm thêm việc khác vì lo cho tương lai. “Ba mẹ không có thời gian gặp mặt, trò chuyện với con, hỏi thăm việc học hoặc giáo dục những gì cần thiết. Họ không quan tâm chia sẻ vui buồn, khó khăn mà con gặp phải”.
Bạn đọc này nhắn nhủ cha mẹ nên dạy dỗ con về tình thương yêu, trách nhiệm, và làm gương cho con. “Có những đứa con quá cô đơn trong nhà, phải chạy ra ngoài, lên mạng tìm kiếm niềm vui, nguồn an ủi, động viên, giúp đỡ…”.
Chị chia sẻ: “Đừng muốn con phải giống như mình. Cái mình cho là tốt chưa hẳn tốt với con. Không phải tuổi đời mình lớn, kiếm được nhiều tiền, có danh vọng địa vị thì điều gì mình cũng biết, việc gì mình làm cũng đúng. Và có những hiểu biết, kinh nghiệm đã lỗi thời”.
Còn anh An kể anh thuộc thế hệ trước nhưng đứa cháu 20 tuổi lại thân thiết với anh. Anh xin ba mẹ đồng ý cho cháu đi chơi. Anh tôn trọng, động viên cháu.
Anh viết: “Tôi xem cháu như người bạn, không can thiệp lựa chọn của cháu, cháu thấy hứng thú là được. Mình biết cái bánh đó dở tệ, cháu muốn ăn nên mình không cản. Cháu ăn thử thấy dở sẽ kiếm cái khác ăn”.
Cháu thi rớt môn, anh an ủi không sao đâu. “Chú cũng rớt vài môn khi học đại học, nhưng con tìm bạn bè hỏi khi nào học lại, học một mình buồn”, anh động viên.
Anh nhắn nhủba mẹ ngoài việc đồng hành, thì không nên kể lung tung việc của con cho người khác. “Vì khi việc đó lan truyền, đó là lần cuối bạn nghe con chia sẻ”.
Con vô tâm khi cha mẹ gọi mà không nghe máy
Theo chị Minh Thu, khi cha mẹ liên lạc, gọi điện thoại, con cái cần phải nghe. Đó không phải là bất đồng quan điểm, mà là sự vô tâm. Lỡ có chuyện đau ốm bệnh tật, lỡ đi đường tai nạn gọi mà con không thèm trả lời, có phải là bất hạnh đến tột cùng không?
Lỡ ở nhà một mình té ngã, gọi con không bắt máy, có phải là đau xót lắm không. “Có thể không giao tiếp nhau trên mạng xã hội, chứ không thể lơ nhau trong liên lạc”.
Còn bạn đọc Nguyễn Minh Châu cho rằng còn được cha mẹ quan tâm là một niềm hạnh phúc lớn lao. “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Nhiều bạn mồ côi ao ước có được sự quan tâm của cha mẹ…”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chan-het-facebook-cha-me-ho-hang-khoi-binh-luan-qua-lai-lo-het-chuyen-rieng-tu-20241208204630401.htm