Có mặt tại VN khi kinh tế nền tảng vẫn còn khá mới mẻ, bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab VN, nhận xét: trong 10 năm qua, VN đã chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của lộ trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế nền tảng tại VN. Đảng và Chính phủ đã có hướng tiếp cận rất cởi mở và ủng hộ đối với công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, từ đó đã có những định hướng, chiến lược được cụ thể hóa bằng những chính sách phù hợp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào mọi mặt của nền kinh tế cũng như đời sống. Cùng với đó, VN đang sở hữu những ưu thế để phát triển kinh tế số nhanh hơn nữa, bao gồm người dân nhanh nhạy với công nghệ, cởi mở với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của các bạn trẻ.
Kinh doanh nền tảng đóng góp khoảng 10% trong GDP
NHẬT THỊNH
"Nhờ những yếu tố tổng hòa này, kinh tế số của VN đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, từ đó tạo những điều kiện cho nhiều nền tảng số như Grab có thể phát triển và mang lợi ích của kinh tế số đến với ngày càng nhiều người dân", bà Đặng Thùy Trang nhìn nhận.
Grab chỉ là một trong số những doanh nghiệp (DN) công nghệ số thành công tại VN. Trong năm qua, hình ảnh Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính ngồi uống bia trên phố đêm Hà Nội sau khi ký thỏa thuận cho thấy "đại bàng lớn" - bigtech đã chọn VN để "làm tổ". Thực tế, đã có một làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung hay kinh tế số, DN số, fintech... tại VN. Theo một khảo sát, năm 2024 VN có hơn 750 công ty trí tuệ nhân tạo (AI) khởi nghiệp (start-up), đứng thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore; gọi vốn được khoảng 43 triệu USD, trung bình hơn 60.000 USD/start-up. Số liệu từ Bộ TT-TT cho thấy, hiện cả nước có khoảng 50.350 DN công nghệ số đang hoạt động, nhiều hơn so với mục tiêu 48.000 DN của Chính phủ. Sự tăng trưởng nhanh về DN công nghệ số tạo nền tảng mở rộng và phát triển các dịch vụ kinh doanh số, trong đó có các dịch vụ nền tảng.
Doanh nghiệp số phát triển đã đẩy kinh tế số tại VN tăng tốc. Thương mại điện tử, gọi xe công nghệ, đặt khách sạn trực tuyến… đã trở nên phổ biến với người dân. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về Grab - mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ tại VN, cho thấy sự tham gia của nền tảng này đã thúc đẩy tăng trưởng của ngành vận tải cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác dựa trên nền tảng, từ đó đóng góp có ý nghĩa cho phát triển kinh tế VN. Cụ thể, năm 2022, Grab đóng góp 7,8% về giá trị tăng thêm đối với ngành nền tảng lĩnh vực vận tải; 1,31% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng và 0,13% trong GDP của nền kinh tế. VN đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 20%. Tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 52 tỉ USD, tăng 30% so với ước thực hiện năm 2024 (40 tỉ USD). Theo đó, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030…
Công chức UBND Q.5 quét mã QR trên CCCD để tra cứu thông tin khi giải quyết thủ tục hành chính
NHẬT THỊNH
Báo cáo từ CIEM chỉ ra, hai năm gần đây, VN liên tục được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, khoảng 28% năm 2022, 19% năm 2023 và 22% trong 6 tháng đầu năm 2024. Sự tăng trưởng nhanh về DN công nghệ số đã tạo nền tảng cho sự mở rộng và phát triển các dịch vụ kinh doanh số, trong đó có các dịch vụ nền tảng - đóng góp khoảng 10% trong GDP. Việc kinh doanh nền tảng phát triển sẽ kéo theo tăng trưởng của các ngành cung ứng. Sản phẩm cuối cùng ngành nền tảng lan tỏa đến giá trị tăng thêm và thu nhập của nền kinh tế lần lượt ở mức 1,230 và 1,294, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế. Theo đó, cứ 1 tỉ USD tăng thêm về sản phẩm cuối cùng của ngành nền tảng sẽ làm tăng sản lượng của toàn nền kinh tế lên hơn 2,75 tỉ USD, kích thích giá trị tăng thêm của nền kinh tế gần 1,2 tỉ USD, tạo ra 93.700 cơ hội
việc làm
và tăng thu nhập của
người lao động
trong nền kinh tế thêm 0,73 tỉ USD.
Chia sẻ bản thân đã trải nghiệm và chứng kiến tiềm năng công nghệ số mang lại trong hơn 5 năm qua, TS Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số VN), khẳng định: Với mục tiêu năm 2045 đưa VN thành nước phát triển, thu nhập cao và là cường quốc tầm trung thì công nghệ số, AI cần được biến thành động lực tăng trưởng mới. Lợi ích lớn nhất là giải quyết bài toán năng suất cho nền kinh tế, trọng tâm trên hai khía cạnh chính: năng suất
lao động
và tính hiệu quả, hiệu suất của các ngành kinh tế hiện hữu. Nếu có chiến lược ứng dụng phù hợp, công nghệ số cũng là chìa khóa đóng góp vào việc giải quyết 3 thách thức chiến lược lớn nhất của VN trong 2 thập niên tới, đó là quản trị tiến trình đô thị hóa, vấn đề già hóa dân số, và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kinh tế số VN phát triển mạnh
ĐÀO NGỌC THẠCH
Đánh giá VN hiện nay đang có nhiều lợi thế trong công cuộc phát triển kinh tế số, ông Đồng dẫn chứng, đầu tiên là nguồn lực lớn mạnh. Cơ cấu dân số của VN đã vượt mốc hơn 100 triệu người, trong đó tỷ lệ dân số trẻ lên đến 21% trong độ tuổi từ 10 - 24, cao nhất trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Trong kinh tế, quan trọng nhất là phía cầu nên dân số trẻ yêu công nghệ, tỷ lệ cởi mở với mạng
xã hội
rất cao là lợi thế về mặt tự nhiên rất lớn của VN trên con đường chuyển đổi số. Lợi thế thứ hai của VN và những nền kinh tế đi sau là không bị dính quá nhiều về phần hạ tầng cũ. So sánh tốc độ chuyển đổi số của các nước phương Tây và Trung Quốc có thể thấy rõ điều này. Các nước phương Tây chuyển đổi số chậm hơn là vì dân số già, hệ thống tài chính nặng nề gắn chặt với thẻ tín dụng. VN có lợi thế của người đi sau, không phụ thuộc quá lớn vào những di sản về hạ tầng và các DN kinh doanh trong lĩnh vực truyền thống. Cùng với đó, hiện nay Quốc hội, Chính phủ cũng đã thông qua rất nhiều đạo luật, chính sách ưu tiên và hướng tới AI, dữ liệu, chuyển đổi số, bán dẫn… Những điều kiện tự nhiên cộng với môi trường cởi mở sẽ tạo ra "đất" để các DN công nghệ có môi trường phát triển.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet VN, cũng có cái nhìn lạc quan rằng quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các ngành, lĩnh vực đã đóng góp lớn vào kết quả tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua. Không chỉ riêng các lĩnh vực trực tiếp như kinh tế nền tảng, thương mại điện tử, công nghệ thông tin mà sự lan tỏa, từ đó tạo ra giá trị tăng thêm trong nền kinh tế rất lớn. Chẳng hạn, các hoạt động thương mại điện tử, gọi xe công nghệ, đặt khách sạn trực tuyến đã thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tại VN gia tăng. Điều này đã góp phần tác động đến quá trình chuyển đổi số, hình thành nên các ngân hàng số hiện đại… Ông nhấn mạnh: Khoa học công nghệ nói chung vừa là sự sáng tạo, đầu tư, vừa là nền tảng cho các ngành kinh tế khác. Nếu gia tăng đầu tư, thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thì sẽ góp phần để cùng kinh tế cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025. Hơn nữa, các hoạt động đầu tư thúc đẩy cho công nghệ nói chung sẽ phát huy gia tăng giá trị nhiều hơn trong 4-5 năm sau, đóng góp lớn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong những năm tiếp theo.
Gọi xe công nghệ Grab
NHẬT THỊNH
TS Nguyễn Quang Đồng khẳng định: Với mục tiêu năm 2045 đưa VN thành nước phát triển, thu nhập cao và là cường quốc tầm trung thì công nghệ số, AI cần được biến thành động lực tăng trưởng mới. Nếu có chiến lược ứng dụng phù hợp, công nghệ số cũng là chìa khóa đóng góp vào việc giải quyết 3 thách thức chiến lược lớn nhất của VN trong 2 thập niên tới, đó là quản trị tiến trình đô thị hóa, vấn đề già hóa dân số và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng về mặt công nghệ, nền tảng của VN vẫn còn "mỏng", chưa đủ năng lực để nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, ví dụ trong lĩnh vực công nghệ cao như ngành bán dẫn, AI. Vì thế, chiến lược phát triển cần lấy trọng tâm là hợp tác với các nước dẫn đầu về mặt công nghệ. Nguồn nhân lực trẻ của VN cần cơ hội tiếp cận, cọ xát và học hỏi từ những tập đoàn công nghệ lớn trên
thế giới
.
Để làm được điều đó, cần tích cực tạo môi trường kinh doanh tốt để mời gọi các đối tác công nghệ hàng đầu đến VN kinh doanh; đồng thời từng bước đưa DN trong nước tham gia vào các mắt xích phù hợp trên chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị thị trường công nghệ toàn cầu. Bởi không ở trong các chuỗi cung ứng công nghệ thì không trông mong được gì trong học hỏi, tiếp nhận công nghệ. Tâm lý nóng vội, đi tắt đón đầu, muốn "Made in VN" kéo theo các giải pháp hành chính như dựng rào cản thị trường, hạn chế cạnh tranh sẽ tạo ra một loạt hệ lụy. Đây là điểm cốt tử mà những người làm chính sách cần thực tế và tỉnh táo để nhìn nhận bối cảnh VN trong cuộc chơi toàn cầu.
Vị chuyên gia này phân tích: Các DN Mỹ đã đi trước vài thập kỷ về mặt công nghệ. Họ lại có lợi thế quy mô thị trường khi cung cấp dịch vụ cho toàn cầu. Lợi thế của DN VN là linh hoạt, nhanh nhạy trong phát triển sản phẩm, lợi thế của DN Mỹ là làm hạ tầng số cho toàn cầu - một lợi thế cạnh tranh mà không phải cứ muốn là VN có thể làm được. Do đó, tận dụng lợi thế của nhau là cần thiết. Nếu đóng cửa, dựng rào cản, DN Việt - đặc biệt là DN nhỏ và vừa, sẽ mất khả năng tiếp cận hạ tầng toàn cầu ưu việt như vậy. Đơn cử, điện toán đám mây là hạ tầng, tức là "đường sá" của chợ công nghệ toàn cầu. VN không cần làm đường nữa, ngược lại chỉ việc tận dụng "con đường" có sẵn để đi.
Doanh nghiệp số phát triển giúp kinh tế số tăng tốc (Trung tâm điều hành Viettel tại Hòa Lạc - công nghệ bán dẫn)
NGỌC THẮNG
"Các DN game như Sky Mavis chẳng hạn, không cần làm đường riêng hoặc chờ đường của VN nữa mà chỉ cần làm việc mình giỏi nhất, đó là làm game; sau đó dùng "đường" của Amazon, Microsoft... và vào "chợ ứng dụng toàn cầu" (Apple Store, Google Play...) để "xuất khẩu" game của mình cho người chơi toàn thế giới", ông Đồng phân tích và lưu ý: "VN cần nghiêm túc ưu tiên cho cải cách thể chế kinh tế thị trường trong nước. Thể chế kinh tế thị trường của chúng ta vẫn chưa hoàn chỉnh, năng lực của các thiết chế điều tiết thị trường càng ngày càng bị bỏ lại đằng sau so với mức độ phát triển và tính phức tạp của các ngành kinh doanh. Môi trường kinh doanh, năng lực điều tra hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thiết chế tòa án để giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế vẫn yếu. Quyền sở hữu tài sản và an toàn kinh doanh của DN vẫn thấp. Cải thiện được các vấn đề này càng nhanh, càng triệt để thì giấc mơ VN 2045 thịnh vượng sẽ thành hiện thực", vị chuyên gia này đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Liên cho rằng các nghị quyết, chính sách gần đây cho thấy thay đổi tư duy của lãnh đạo nhà nước về thúc đẩy KH-CN, chuyển đổi số, kinh tế số là quan trọng nhất. Theo sau đó là các chính sách ưu đãi, mở trói về cơ chế hay đầu tư "mồi" của nhà nước sẽ lan tỏa. Khi các lĩnh vực này phát triển thì tất yếu sẽ thu hút được các cá nhân, DN khởi nghiệp và tăng tốc đầu tư. Tuy nhiên, ngoài các chính sách khuyến khích, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, việc tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nhân, DN là cực kỳ quan trọng. "Các chính sách hỗ trợ là động lực để thúc đẩy phát triển DN, tăng tốc khởi nghiệp, sáng tạo đổi mới. Nhưng vấn đề thực hiện, triển khai chính sách là điều đáng quan tâm. Trong đó, phải làm sao để kinh tế tư nhân thấy được môi trường minh bạch, công bằng. Từ đó họ mới mạnh dạn đầu tư, mở rộng hoạt động hơn nữa. Điều này cũng sẽ thu hút thêm các DN công nghệ thế giới vào VN", ông Vũ Hoàng Liên chia sẻ.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/viet-nam-la-manh-dat-uom-mam-cho-doanh-nghiep-so-185250223062414022.htm
Bình luận (0)