Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý trẻ em, Michele Borba phát hiện kiên trì là yếu tố đóng góp vào thành công lớn hơn chỉ số IQ, theo nghiên cứu của Angela L. Duckwork và Martin EP Seligman, Đại học Pennsylvania.
Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng, quá trình dạy con không bỏ cuộc chỉ đơn giản bằng một vài lời nói và hành động nhỏ thì bạn đã sai. Vì để thay đổi được vấn này, phụ huynh và con cái phải đồng hành cùng nhau trong suốt một chặng đường dài.
1. Trở thành hình mẫu
Hãy để trẻ thấy được bạn luôn nỗ lực phấn đấu hết mình, không bao giờ bỏ cuộc ngay cả khi mọi việc trở nên khó khăn. Trước khi trẻ bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ, công việc nào đó, hãy cổ vũ và động viên tinh thần bằng câu nói: “Mình sẽ kiên trì cho đến khi nào thành công mới thôi”.
Luôn lấy bản thân làm gương cho con, đây chính là phương pháp giảng dạy đang được nhiều phụ huynh áp dụng.
2. Dạy con rằng sai lầm là cơ hội phát triển
Nhắc nhở con sai lầm không phải lúc nào cũng tiêu cực, mà đôi khi là cơ hội cho con có bước phát triển tốt hơn. Chấp nhận cái sai của con, rằng: “Không sao cả. Điều quan trọng là con đã cố gắng”.
Bạn cũng nên thừa nhận những sai lầm của mình. Điều này sẽ giúp con nhận ra mọi người đều mắc sai lầm và thành công sẽ xảy ra khi bạn không để thất bại định hình mình.
3. Dạy trẻ hình dung về thời gian
Trẻ em bắt đầu phát triển tư duy trừu tượng vào khoảng 9 tuổi. Trước độ tuổi này, trẻ hình dung cụ thể về các hoạt động. Đây là lý do trẻ có thể gặp khó khăn trong việc nhận ra sự khác biệt giữa 15 phút và 45 phút.
Để vượt qua khó khăn này, cách đơn giản nhất là cha mẹ nên dạy con sớm về việc hình dung thời gian bất cứ khi nào có thể.
4. Hạn chế cho trẻ xem điện thoại
Bà Ana Sousa Gavin, nhà tâm lý giáo dục đồng thời là mẹ của 2 bạn nhỏ 8 tuổi và 11 tuổi, đã chỉ ra rằng điện thoại và tivi là những thiết bị cung cấp thông tin và các chương trình giải trí khá nhanh chỉ sau vài cú nhấp chuột, chọn kênh. Do đó khi trẻ quen với việc sử dụng các thiết bị này cũng sẽ mong đợi rằng mọi thứ phải nhanh như vậy. Khi trẻ gặp phải tình huống cần sự kiên nhẫn chờ đợi thì dễ sinh ra chán nản, thậm chí cáu gắt.
Vì vậy, mẹ có thể cho bé tham gia các hoạt động bổ ích khác thay vì để con sử dụng tivi, điện thoại quá nhiều.
5. Kéo dài sự tập trung của con
Nếu con bạn muốn từ bỏ một bài tập, hãy đặt đồng hồ lên bàn và cài đặt chuông trong một khoảng thời gian thích hợp, phù hợp với mức độ chú ý của bé. Bạn đề nghị con làm bài cho đến khi chuông reo, sau đó con có thể nghỉ ngơi.
Hãy khích lệ khi con làm xong bài trước khi chuông reo, để con thấy mình đạt được thành công. Dần dần, con sẽ tập trung hơn.
6. Tìm ra hoạt động phù hợp
Hãy tạo điều kiện để con tìm thấy sở thích, niềm đam mê hoặc tài năng tự nhiên của bản thân. Không nên áp đặt con thực hiện theo sở thích của bố mẹ, vì điều này sẽ khiến trẻ bị chán nản, hình thành tâm lý muốn bỏ cuộc.
Nếu bé thích vẽ, hãy hỏi xem liệu con có muốn đến lớp hội họa vào cuối tuần không? Nếu con thích thể thao, đừng ngại ngần cho bé đến sân tập. Hãy cố gắng khơi gợi hứng thú của trẻ nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, bạn nên chú ý định hướng những sở thích phù hợp với độ tuổi của con.
7. Đứng lên sau thất bại
Khi trẻ bỏ cuộc, có thể là do chúng không thể nhìn thấy con đường thoát khỏi thử thách. Là cha mẹ, hãy thừa nhận sự thất vọng của con và bày tỏ rằng đó là cảm giác bình thường. Thử tập thở hoặc nghỉ ngơi. Sau đó, cho con quay lại nhiệm vụ. Bạn cũng thử xem liệu có điều gì đang cản đường con hay không.
8. Dạy trẻ các hoạt động “kiên nhẫn”
Cha mẹ hãy cùng chơi và tập cho con những trò chơi khuyến khích tính kiên nhẫn, như ghép hình. Bên cạnh đó, con có thể được thực hiện các hoạt động đòi hỏi phải có thời gian và sự kiên nhẫn như: trồng hoa, rau trong vườn; câu cá… Tránh cho con sử dụng điện thoại thông minh, nó càng khiến trẻ mất tập trung và thiếu kiên nhẫn hơn.
9. Đưa ra những lựa chọn để khuyến khích con hoãn lại lợi ích trước mắt
Hãy thử thương lượng “Con có thể ăn một chiếc bánh lúc này, hoặc nếu đợi đến sau bữa tối, con sẽ được ăn hai chiếc”. Kiểu lựa chọn như vậy sẽ khuyến khích con làm chủ mong muốn và sự đòi hỏi của mình, đồng thời biết hoãn lại “lợi ích” trước mắt để chờ đợi và nhận được một “phần thưởng” lớn hơn. Bài học quan trọng đầu đời này sẽ có tác động tích cực tới lúc bé trưởng thành.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cha-me-ren-luyen-9-dieu-nay-tu-nho-con-lon-len-de-thanh-cong-va-khong-bao-gio-dau-hang-truoc-kho-khan-172240511220116145.htm