Vì sao nhiều người lùng mua gỗ thuỷ tùng, gỗ cây sách Đỏ?
Cây thủy tùng có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, thuộc nhóm IA, loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng và được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Loài cây cho gỗ quý này chủ yếu sống ở đầm lầy, chỉ có một số ít sống ở trên cao.
Tại Việt Nam, chỉ duy nhất ở tỉnh Đắk Lắk có cây thủy tùng-cây sách Đỏ, với tổng số 162 cây.
Tại Việt Nam, loài cây quý hiếm, cây sách Đỏ này chỉ có duy nhất ở tỉnh Đắk Lắk với tổng số 162 cây phân bố thành hai quần thể tự nhiên gồm: Xã Ea Ral, huyện Ea H’leo 142 cây; huyện Krông Năng 19 cây và 1 cây tại thị xã Buôn Hồ, với tổng diện tích 124,7ha.
Trong quần thể cây quý hiếm này có những cây thủy tùng cổ thụ gần 700 năm tuổi. Những cây thủy tùng này được xem là “báu vật” của quốc gia, là di sản của thiên nhiên quý giá.
Đáng chú ý, cho đến nay, các nhà khoa học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, không ai biết được thủy tùng sinh ra như thế nào.
Bởi mặc dù cây có hoa và quả, nhưng quả lại không có noãn, dẫn đến tình trạng “vô sinh”. Đây cũng là lý do mà nhiều năm qua, các cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) chưa từng phát hiện thủy tùng con trong quá trình quản lý.
Quần thể thủy tùng độc đáo tại xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Loài cây có tên trong sách Đỏ này theo đánh giá đang trong “tình trạng vô sinh, không chịu sinh con đẻ cái” nên có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Ông Võ Thành Tám, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước, cho biết có nhiều thông tin cho rằng, thủy tùng có khả năng trị được ung thư và diệt muỗi. Theo quan niệm dân gian, tượng hoặc các đồ mỹ nghệ làm từ gỗ thủy tùng có tác dụng mang lại bình an và may mắn cho gia đình.
Tuy nhiên, thực tế không phải như thế. Thủy tùng có giá trị về mặt khoa học, có mùi thơm đặc trưng, không bị mối mọt và vân của lõi cây rất đẹp. Cây khô nằm dưới nước càng lâu thì vân của lõi từ màu vàng chuyển thành màu xanh độc đáo.
Cây sách Đỏ quý hiếm-sễnh ra là bị trộm
Cho rằng thủy tùng là miếng mồi béo bở, không ít người đã tìm cách đột nhập vào Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước để săn lùng loài cây quý hiếm này.
Điển hình, năm 2014, lợi dụng đêm mưa gió, kẻ xấu đã lẻn vào rừng và leo lên để cắt 1 ngọn cây thủy tùng. Ngay khi nghe tiếng động, lực lượng bảo vệ rừng chạy ra thì đối tượng đã thoát thân.
Tiếp đó, vào rạng sáng 19/5/2017, một nhóm khác đã đột nhập vào Khu Bảo tồn sinh cảnh Thông nước để cắt một đoạn của ngọn cây thủy tùng hơn 300 năm tuổi. May mắn thay, lực lượng quản lý bảo vệ rừng đã kịp thời phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng, sau đó tiếp tục bắt giữ thêm 6 đối tượng liên quan.
Nhiều chòi gác được dựng lên giữa rừng để hỗ trợ công tác tuần tra, bảo vệ quần thể thủy tùng.
Hai đối tượng Nguyễn Quốc Phong và Ngô Lê Hoàng Phong và các tang vật là khúc gỗ thủy tùng có liên quan. (Ảnh: Công an cung cấp).
Để bảo vệ những cây thủy tùng còn sót lại, lực lượng Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước đã không ngừng nỗ lực vượt qua những khó khăn, túc trực dưới những tán rừng bất kể nắng mưa hay đêm tối.
Trong dịp lễ, tết, công tác tuần tra càng được tăng cường. Nhiều chòi gác, những chiếc cầu phao đã được dựng lên giữa rừng để hỗ trợ công tác bảo vệ “báu vật” khỏi những kẻ xấu.
Những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn loài cây tùng quý hiếm.
Đồng thời, từng bước giúp cho người dân địa phương nâng cao nhận thức của người dân địa phương về giá trị của cánh rừng độc đáo. Từ đó, tình trạng xâm phạm rừng thủy tùng đã giảm đáng kể.
Cơ quan công an Đắk Lắk đã tạm giữ 80 cục gốc, rễ, cành gỗ thủy tùng để phục vụ điều tra. (Ảnh: Công an cung cấp).
Ngày 24/10/2024, Công an huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk), cho biết đã khởi tố Nguyễn Quốc Phong (SN 1991) và Ngô Lê Hoàng Phong (SN 2003), cùng trú tại xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Trước đó, ngày 3/10, Công an huyện Ea H’Leo phối hợp Hạt Kiểm lâm Ea H’Leo – Krông Búk phát hiện tại thửa đất của Nguyễn Quốc Phong (thuộc thôn 3, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) có 80 cục gốc, rễ, cành gỗ. Qua đo đếm, công an xác định tổng khối lượng là 3.245,10 kg, tương đương 3,245 m3.
Phong khai nhận đó là gỗ thủy tùng. Số gỗ này Nguyễn Quốc Phong cùng với Ngô Lê Hoàng Phong mua của một số người dân tại địa phương rồi mang về đẽo gọt, chế tác thành sản phẩm đồ mỹ nghệ để bán. Nguyễn Quốc Phong còn lập 2 tài khoản cho Ngô Lê Hoàng Phong quảng cáo, livestream và bán những sản phẩm này trên mạng xã hội TikTok.
Nguồn: https://danviet.vn/cay-thuy-tung-vo-sinh-sap-tuyet-chung-co-trong-sach-do-chi-moc-o-dak-lak-he-senh-ra-la-bi-trom-20241024102908034.htm