Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), từ nhỏ Lê Văn An sớm nuôi mơ ước được trở thành bộ đội Cụ Hồ. Đến năm 2004, An lên đường nhập ngũ, rồi đăng ký thi vào hệ trung cấp, Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự (Vinhempich). Sau thời gian phấn đấu học tập, rèn luyện, Lê Văn An tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, được cấp trên phân công về công tác tại Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 573; đảm nhiệm nhiệm vụ sửa chữa các loại vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật.

Với tinh thần ham học hỏi, không chịu khuất phục khó khăn, An đã cùng với đồng đội nghiên cứu và cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có tính thực tiễn cao, được áp dụng vào quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; bảo đảm đời sống bộ đội. Chia sẻ với chúng tôi, An cho biết: “Nhận thấy ở đơn vị có một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật qua nhiều năm sử dụng, thời gian xuất xưởng đã lâu, lại chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt trên địa bàn miền Trung… nên không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, nhất là hệ số kỹ thuật của trang bị kỹ thuật… Do đó, tôi mạnh dạn báo cáo, đề xuất ý tưởng với cấp trên cho phép triển khai nghiên cứu, cải tiến một số phương tiện, trang bị để góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị”.

Đại úy QNCN Lê Văn An thuyết minh sáng kiến “Robot diệt khuẩn DK-573” trước Hội đồng thẩm định sáng kiến Lữ đoàn 573 (Quân khu 5). 

Hiện thực những ý tưởng đó, Đại úy QNCN Lê Văn An đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn đơn vị, được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ tư lệnh Quân khu 5 biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, Lê Văn An chính là “cha đẻ” của 3 sáng kiến đạt giải cao tại “Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội” lần thứ 19, 20 và 23. Kết quả đó góp phần để “cây sáng kiến” của Lữ đoàn 573 liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và là Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2022.

Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, để khắc phục, khoanh vùng ổ dịch, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, bộ đội hóa học… phải tiến hành phun thuốc diệt khuẩn bằng nhiều phương tiện, thiết bị thủ công, buộc bộ đội phải trực tiếp vào nơi có dịch, nguy cơ lây nhiễm cao. Trước thực tế đó, với mong muốn tạo ra một robot có thể thay thế hoàn toàn con người thực hiện nhiệm vụ khử khuẩn, có khả năng hoạt động trong phạm vi hẹp, nhất là trong các bệnh viện, khu cách ly, Lê Văn An đã mày mò nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thành công “Robot diệt khuẩn DK-573” đáp ứng được các yêu cầu trên và được thủ trưởng các cấp, cơ quan chức năng đánh giá cao.

Nói về đóng góp của mình, Lê Văn An khiêm tốn: “Nếu mỗi người đề cao trách nhiệm vì đơn vị và nhiệm vụ chung thì tự khắc sẽ nỗ lực cống hiến và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo. Kết quả đã đạt được sẽ là nguồn động lực lớn để bản thân tiếp tục sáng tạo và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong thời gian tới”.  

Bài và ảnh: TẤN TÚ – HUY TUÂN