Đồng Nai có diện tích đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất lớn phù hợp để trồng chuyên canh cây dược liệu hoặc theo mô hình nông – lâm kết hợp. Tỉnh đã thu hút một số doanh nghiệp (DN) đầu tư các vùng trồng dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao như: cây sâm Bố Chính, xáo tam phân, trinh nữ Crila (thuộc loài trinh nữ hoàng cung)…, đều là những loại dược liệu quý có chức năng điều trị nhiều chứng bệnh, trong đó có bệnh ung thư.
Ưu thế của mô hình trồng dược liệu là xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, DN hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, nhất là bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Mô hình có nhiều lợi thế
Trồng dược liệu là mô hình còn khá mới với nông dân trên địa bàn tỉnh nhưng có nhiều lợi thế thu hút nông dân đầu tư.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) Nguyễn Văn Khôn nhận xét, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh ung thư, ung bướu ngày càng phổ biến nên có nhu cầu lớn về nguồn cây dược liệu là nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm chữa trị các loại bệnh này. Đây cũng là nguyên nhân khiến DN đầu tư cả chục năm nghiên cứu, chuẩn hóa quy trình làm giống và trồng cây dược liệu xáo tam phân.
Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại – sản xuất Đông Nam Dược Kim Nguyên (ở Thành phố Hồ Chí Minh) Huỳnh Thị Phước Minh cho biết, DN đã trồng thử nghiệm thành công sâm bố chính theo hướng hữu cơ tại xã Phú An (huyện Tân Phú).
Mô hình canh tác này tái sử dụng phế thải, phụ phẩm từ quá trình trồng, không sử dụng phân, thuốc hóa học nên đảm bảo về môi trường, góp phần giảm phát thải; đồng thời, tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra. Tất cả các bộ phận của cây sâm bố chính từ: lá, hoa, thân, rễ đều sử dụng được nên đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.
Anh Nguyễn Xuân Hưng, nông dân trồng cây xáo tam phân tại huyện Trảng Bom, cho hay đây là cây bán sa mạc nên có thể trồng trên những vùng đất cằn cỗi mà vẫn cho dược chất cao. Sức chống chịu của cây trồng này rất cao nên người trồng không cần sử dụng thuốc hóa học, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa đảm bảo các tiêu chuẩn về nguyên liệu sạch.
“Điều thuận lợi nhất là DN trong chuỗi liên kết sẽ cầm tay chỉ việc nông dân từ khâu cây giống đến quy trình trồng, thu hoạch. Cây xáo tam phân thu được tất cả các bộ phận từ thân, lá, rễ. Từ năm thứ 3, người trồng sẽ bắt đầu khai thác lá, đến năm thứ 6 mới thu hoạch toàn bộ cành, rễ với lợi nhuận cao” – anh Hưng nói.
Xây dựng chuỗi liên kết trồng dược liệu
Dược liệu thường không được mua bán phổ biến ngoài thị trường như các loại nông sản thông thường khác. Theo đó, nông dân tham gia trồng dược liệu cần vào chuỗi liên kết để phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Khôn chia sẻ, hiện DN đã phát triển được 5 dòng sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe và 3 sản phẩm thông thường là trà và rượu. Thời gian tới, DN sẽ phát triển thêm sản phẩm viên nang và cao để phát huy tối đa giá trị của nguồn dược liệu này, đồng thời tăng sự tiện ích cho người dùng.
Từ năm 2020 đến nay, DN luôn nỗ lực mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trồng xáo tam phân tại địa phương và mở rộng ra các vùng trồng khác. Đến nay, DN đã phát triển được gần 20 hécta xáo tam phân tại huyện Trảng Bom và đã xuống giống được hơn 50 hécta ở các địa phương khác. DN cũng vừa hoàn công xong một trang trại trồng xáo tam phân quy mô 56 hécta ở tỉnh Đắk Nông.
Theo ông Khôn, mong muốn của DN là góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình trồng dược liệu có giá trị kinh tế. DN sẽ chuyển giao cho nông dân cây giống, kỹ thuật trồng đến thu hái theo chuỗi khép kín, nhất là sản phẩm được bao tiêu nên nông dân không còn nỗi lo đầu ra trôi nổi theo thị trường như các loại nông sản khác.
Cùng quan điểm, Giám đốc vùng trồng cây trinh nữ Crila của Công ty CP Dược phẩm Thiên Dược tại Đồng Nai Nguyễn Kim Mạnh khẳng định, cây trinh nữ Crila trồng tại huyện Long Thành cho hoạt chất cao nên DN đầu tư vùng trồng với quy mô lớn.
Nhu cầu về nguồn cây dược liệu này ngày càng cao, trong khi quỹ đất trồng của DN dần bị thu hẹp do huyện Long Thành phát triển lên đô thị. Theo đó, DN mong muốn liên kết với nông dân có quỹ đất phù hợp tại địa phương, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm để nhân rộng diện tích cây dược liệu này.
Nguồn: https://danviet.vn/cay-sam-bo-chinh-xao-tam-phan-trinh-nu-chua-nhieu-benh-gi-ma-doanh-nghiep-do-ve-dong-nai-dau-tu-20240920115224087.htm