Những câu hỏi mang nặng tính thành tích “Hôm nay con được mấy điểm” là điều tôi thường nghe và câu hỏi “Con học có vui không?” trở thành hiếm hoi. “Sắc màu” thành tích lấn át “sắc màu” niềm vui trong học tập đã và đang “đồng hành” khá nhiều học sinh ở các bậc học.
Là người thường đón con đi học về, không ít lần tôi chứng kiến những ông bố, bà mẹ khi thấy con là hỏi về điểm số.
Phụ huynh rạng rỡ khi nghe con nói được điểm cao, nói đúng hơn là con điểm tròn trĩnh tuyệt đối 10. Có những trường hợp học sinh dù đạt điểm 9 vẫn có thể bị “ăn quát” vì đối với một số bậc cha mẹ, đó là điểm thấp. Thậm chí, có người tỏ thái độ thất vọng, chì chiết, quát mắng con bị điểm thấp trước rất nhiều phụ huynh khác.
Chính vì chỉ quan tâm đến tờ giấy khen, danh hiệu học sinh giỏi “toàn diện” nên nhiều bậc cha mẹ đã gây áp lực nặng nề cho con, đánh cắp tuổi thơ của con khi chỉ biết vùi đầu vào sách vở.
Là một người thầy dạy bậc THPT, tôi cũng rất buồn khi một số em thích được tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ trong và ngoài trường nhưng cha mẹ lại ngăn cấm. Họ không muốn con tham gia vì sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Một số học sinh chia sẻ với tôi rằng: “Ba mẹ em chỉ cần em đạt điểm cao chứ không cần các điều khác”. Khi nghe các trải lòng của học sinh, tôi rất buồn vì quan niệm điểm số của không ít phụ huynh.
Là một người cha, tôi chưa bao giờ hỏi các câu hỏi liên quan đến điểm số như: “Hôm nay con được mấy điểm?”, “Học kỳ này có được mấy điểm 10?”…
Trước các kỳ thi cuối học kỳ, cuối năm, tôi cũng không muốn con bị áp lực, không muốn con “học dồn” nên khuyên con cứ nhẹ nhàng như ngày thường. Tôi dạy con chủ động trong học tập và nhấn mạnh kiến thức mới là điều quan trọng, không nên học vẹt để lấy điểm cao.
Tôi muốn mình là người tạo động lực học tập cho con chứ không phải gây áp lực. Chính vì thế, hầu như mỗi ngày tôi đều hỏi các con: “Hôm nay con học có vui không?”. Thỉnh thoảng con trả lời “cũng bình thường”, nhưng đa phần là “vui”. Chỉ cần nghe các con nói vui là tôi thấy vui rồi.
Chúng tôi vẫn thường tương tác với các con thông qua những câu chuyện con kể về những buổi học, bạn bè ở trường. Những lúc như vậy, con càng vui hơn khi chia sẻ với cha mẹ và phụ huynh có thể đóng vai trò là người bạn để lắng nghe.
Tôi thường xuyên khuyên các con tham gia những hoạt động ở trường (ngoại trừ cuộc thi học sinh giỏi mang tính chất kiến thức sách vở của bậc tiểu học) để rèn luyện sức khỏe, học được những bài học đoàn kết, biết xử lý tình huống, có trách nhiệm với tập thể, sẵn sàng tham gia hoạt động xã hội để khôn lớn hơn, yêu thương nhau nhiều hơn…
Càng tham gia nhiều hoạt động, các con sẽ nhận được nhiều bài học từ thực tế. Đó cũng là kỹ năng cần thiết. Con học vui đồng nghĩa vừa học tốt kiến thức, vừa có tuổi thơ đúng nghĩa và tôn trọng sự phát triển của con.
“Hôm nay con đi học có vui không?” không phải là câu hỏi nhàm chán mà tôi lặp đi lặp lại mỗi ngày. Đó là sự quan tâm mà người hỏi và người được hỏi cảm thấy vui và hạnh phúc.