Người Phan Thiết luôn tự hào về đô thị Phan Thiết có hàng trăm năm hình thành và phát triển. Nhưng cũng có không ít người đang buồn về câu chuyện bảo tồn đô thị Phan Thiết hôm nay.
Năm 2015, người Phan Thiết đã ngỡ ngàng khi chứng kiến người ta đập bỏ tòa nhà Bưu điện trung tâm Phan Thiết xưa có tuổi đời hơn 120 năm trên đường Lê Hồng Phong, gần Tháp nước để xây dựng tòa nhà kính 5 tầng hiện đại phủ kính xung quanh. Ngay cả với người không rành về kiến trúc và mỹ thuật cũng thấy nó không phù hợp và lạc lõng giữa không gian kiến trúc xưa cũ của quần thể Nhà làm việc Tỉnh ủy, Tháp nước, Trung tâm hội nghị và UBND tỉnh.
Mới đây, 2 tòa nhà trên đường Trần Hưng Đạo được xây dựng từ thời Pháp cũng đã bị đập bỏ để xây mới làm trụ sở làm việc. Ngoài sự mất đi của các công trình kiến trúc do Nhà nước quản lý, nhiều biệt thự cổ có tuổi đời hàng trăm năm của người dân cũng bị tháo dỡ hoặc đang để xuống cấp mà không trùng tu hay bảo tồn vì nhiều lý do.
Được biết, hiện Phan Thiết còn một số biệt thự cổ hầu hết của các gia đình hàm hộ nước mắm xưa và nhiều khu phố cổ được xây dựng từ thời Pháp trên các con đường Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hồng Phong… Các biệt thự và các dãy phố cổ này người dân sửa chữa hoặc xây dựng mới không theo một quy định về kiến trúc nào nên tân cổ giao duyên, chẳng có mỹ quan đô thị.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay tại Bình Thuận chưa có văn bản nào quy định chi tiết về việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ như một số đô thị khác đã làm nên tình trạng xuống cấp ở các công trình cổ do cơ quan nhà nước đang quản lý sử dụng và tình trạng “tân cổ giao duyên” ở các công trình của người dân xảy ra là điều tất yếu.
Từ thực trạng bảo tồn các kiến trúc cổ tại Phan Thiết đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu phát triển đô thị và bảo tồn di sản có mâu thuẫn với nhau? Câu trả lời là không. Bởi đứng trên lợi ích lâu dài của cộng đồng, việc phát triển đô thị và bảo tồn di sản có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ nhau và thúc đẩy nhau cùng phát triển. Tất nhiên, chỉ khi bảo tồn đúng, bảo tồn những đặc trưng của Phan Thiết chứ không bảo tồn lưu giữ tràn lan.
Theo chúng tôi, Phan Thiết có 2 khu vực có công trình cổ cần được bảo tồn là: Khu vực phố cổ phường Đức Nghĩa bảo tồn theo hướng đô thị cổ và khu vực phố cổ phường Đức Thắng bảo tồn theo hướng làng chài Phan Thiết xưa gắn với lịch sử nghề sản xuất nước mắm xưa.
2 khu vực này cần có một dự án quy hoạch chi tiết để bảo tồn các công trình cổ gắn liền với bản sắc, văn hóa và lịch sử. Trong đó có đánh giá chi tiết hiện trạng, giá trị, rồi từ đó có những quy định chi tiết cũng như lộ trình về bảo tồn. Người chủ hoặc người quản lý các công trình kiến trúc cổ cần được cung cấp thông tin đầy đủ về giá trị, định hướng ứng xử cần tuân thủ và thông tin liên lạc của các cơ quan, chuyên gia có thể tư vấn chi tiết cho họ khi có sự cố hoặc nhu cầu sửa chữa.
Cần gắn bảng ghi một số thông tin cơ bản như năm xây dựng, do ai, kiểu kiến trúc, nhân vật nổi tiếng nào từng có mặt… và ngành du lịch cũng nên có tiêu chí xếp hạng từng giá trị lịch sử của các kiến trúc cổ, nhằm khuyến khích việc bảo tồn những công trình đẹp về kiến trúc của Phan Thiết để giới thiệu cho du khách. Mặt khác, việc xây dựng các công trình mới ở tuyến đường có các khu nhà có kiến trúc cổ cần đặt mục đích lưu giữ giá trị lịch sử – văn hóa là chính.
Ngoài ra, đối với các công trình người dân đang sở hữu cần có chính sách để làm sao cho người dân có thể tạo ra thu nhập từ giá trị của ngôi nhà cổ mà họ đang sống. Có kế hoạch tổ chức và hướng dẫn cho người dân cách khai thác các lợi thế về du lịch của địa phương. Khi những giá trị văn hóa biến thành lợi ích vật chất, người dân sẽ tự mình gìn giữ.