Trong chuyến thăm châu Á và Việt Nam vào tháng 9 vừa qua, bác sĩ Derek Wallace – chủ tịch Toàn cầu Vắc xin Takeda, người dẫn dắt dự án phát triển vắc xin này – đã có những chia sẻ về hành trình đầy thử thách, nhưng cũng rất vinh quang, trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin tứ giá, có khả năng chống lại cả 4 type vi rút sốt xuất huyết.
* Là người quan trọng trong hành trình phát triển vắc xin sốt xuất huyết, ông có thể chia sẻ điều gì đã truyền cảm hứng để ông tham gia và cam kết với sứ mệnh này?
– Tôi luôn tin rằng vắc xin là nền tảng của y tế cộng đồng, có khả năng tác động sâu sắc lên cuộc sống con người và các gia đình qua nhiều thế hệ.
Sau khi trực tiếp chứng kiến những ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng phát sốt xuất huyết tại Thái Lan vào năm 2009, tôi càng thêm quyết tâm phải tìm cách đẩy lùi căn bệnh này.
Chính trải nghiệm đó đã thôi thúc tôi dẫn dắt đội ngũ Takeda phát triển nên vắc xin sốt xuất huyết, nhằm cung cấp biện pháp phòng ngừa chủ động và bền vững hơn.
* Để nghiên cứu thành công vắc xin phòng sốt xuất huyết chắc hẳn là hành trình rất dài. Ông có thể chia sẻ thêm về một số cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển loại vắc xin này?
– Sốt xuất huyết là căn bệnh phức tạp do 4 type vi rút khác nhau gây ra (DENV-1, 2, 3 và 4), khiến việc phát triển vắc xin trở nên đặc biệt khó khăn. Vắc xin sốt xuất huyết của Takeda là thành quả đạt được sau một hành trình dài, nhiều thử thách, bắt đầu từ 60 năm về trước.
Mặc dù các nỗ lực tìm kiếm, nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết đã bắt đầu từ những năm 1920, người ta vẫn chưa thấy rõ các tiến bộ đạt được trong nhiều thập kỷ vì rất nhiều trở ngại khác nhau.
Hành trình phát triển vắc xin sốt xuất huyết của Takeda bắt đầu từ năm 1978, tại Đại học Mahidol ở Thái Lan. Khi ấy, Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề xuất một dự án nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết, và Đại học Mahidol được chọn làm đối tác. Kể từ đó, trường đã dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển vắc xin sốt xuất huyết.
Đến năm 1986, họ phát hiện một vắc xin giảm độc lực sống có thể ngăn ngừa DENV-2. Đây chính là nền tảng quan trọng cho vắc xin tứ giá hiện tại của chúng tôi. Sau 12 năm nỗ lực nghiên cứu, vắc xin tứ giá đã được phát triển thành công, đem lại khả năng bảo vệ rộng rãi, chống lại cả 4 type vi rút sốt xuất huyết.
Suốt 11 năm qua, Takeda đã dẫn dắt thành công quá trình phát triển vắc xin sốt xuất huyết qua 19 thử nghiệm lâm sàng trên 28.000 người tại 13 quốc gia, bao gồm các quốc gia có dịch lưu hành và không lưu hành.
Gần đây, vắc xin của chúng tôi cũng vừa được Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) của WHO khuyến nghị đưa vào sử dụng ở các quốc gia trong vùng dịch tễ, có mức độ lây nhiễm cao nhằm mang lại hiệu quả bảo vệ cộng đồng tốt nhất.
Ngoài ra, việc vắc xin được WHO tiền thẩm định cho thấy đây là vắc xin có chất lượng và được tin chọn làm công cụ phòng chống sốt xuất huyết quan trọng, phù hợp với các chương trình tiêm chủng quốc gia.
Đặc biệt, khuyến nghị của WHO khẳng định vắc xin sốt xuất huyết là một công cụ quan trọng trong chiến lược phòng chống sốt xuất huyết toàn diện, góp phần đẩy lùi mối đe dọa sức khỏe toàn cầu cho người dân.
Chúng tôi thấy tự hào vì vắc xin sốt xuất huyết đã được phê duyệt và sử dụng để bảo vệ cộng đồng, bất kể họ đã hoặc chưa từng mắc bệnh trước đây. Khuyến nghị toàn cầu trên đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Takeda trên hành trình thực thi sứ mệnh phát triển các vắc xin mới, góp phần giải quyết các thách thức khó nhất đối với y tế công cộng.
* Chắc hẳn nhóm nghiên cứu đã trải qua những thách thức, khó khăn gì khi phát triển vắc xin sốt xuất huyết, ông có thể chia sẻ về điều này và Takeda đã vượt qua những thách thức ấy như thế nào?
– Có rất nhiều thách thức trong suốt quá trình nghiên cứu, và một trong số đó là bản chất phức tạp của vi rút sốt xuất huyết với 4 huyết thanh riêng biệt.
Để đạt được phản ứng miễn dịch, bảo vệ chống lại cả 4 type huyết thanh mà không làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng do hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE) là một thử thách lớn mà chúng tôi đã vượt qua. Bên cạnh đó, vắc xin cần đảm bảo hiệu quả và an toàn cho nhiều nhóm dân số khác nhau.
Bên cạnh nghiên cứu, việc sản xuất, đặc biệt là sản xuất quy mô lớn để thương mại hóa vắc xin toàn cầu là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Vắc xin sốt xuất huyết tứ giá yêu cầu một quy trình sản xuất, lưu trữ, bảo quản và vận chuyển vừa hiện đại, vừa phức tạp.
Do đó, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam và các quốc gia khác để phát triển các chiến lược vận chuyển và lưu trữ, giúp quản lý việc tiêm chủng hiệu quả.
* Ông có thể chia sẻ một số tiêu chuẩn chất lượng của Takeda trong quá trình sản xuất vắc xin sốt xuất huyết, từ sản xuất đến chuỗi cung ứng và phân phối trên toàn thế giới không?
– Nhà máy sản xuất vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên của Takeda được đặt tại Singen, Đức, đã đi vào hoạt động từ tháng 11-2019, thực hiện đóng gói thứ cấp và hỗ trợ giai đoạn hình thành công thức, đóng lọ và đông khô.
Năm 2023, chúng tôi mở rộng nhà máy để nâng cao năng lực sản xuất, giúp Singen trở thành cơ sở duy nhất của Takeda trên toàn cầu có khả năng sản xuất cả dược chất và dược phẩm cho vắc xin sốt xuất huyết.
Việc WHO đưa vắc xin sốt xuất huyết của Takeda vào danh mục vắc xin được tiền thẩm định cho thấy chất lượng và tính phù hợp của vắc xin này đối với các chương trình tiêm chủng quốc gia.
Đây là một bước quan trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận vắc xin sốt xuất huyết của Takeda trên toàn cầu, đặc biệt là ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sốt xuất huyết.
Thấu hiểu sự cần thiết phải có một giải pháp tích hợp và toàn diện để giải quyết mối đe dọa sức khỏe toàn cầu do sốt xuất huyết, Takeda cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác, chính phủ và cơ quan y tế tại những quốc gia đã cấp phép lưu hành vắc xin sốt xuất huyết, nhằm mang lại hiệu quả phòng ngừa tốt nhất.
Dựa trên năng lực sản xuất của nhà máy tại Đức, Takeda đã hợp tác chiến lược với Tập đoàn Biological E. Limited tại Ấn Độ vào năm ngoái để tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin đa liều cho các chương trình tiêm chủng quốc gia ở những nơi dịch bệnh lưu hành.
Hằng năm, chúng tôi nỗ lực gia tăng nguồn cung, với mục tiêu đạt 100 triệu liều mỗi năm vào năm 2030, thông qua việc đầu tư vào các nhà máy hiện có và hợp tác chiến lược, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dự phòng sốt xuất huyết sử dụng vắc xin.
Với hàng triệu liều vắc xin sốt xuất huyết được phân phối trên toàn cầu, chúng tôi cam kết cung cấp vắc xin sốt xuất huyết đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả cao nhất. Tại Takeda, chúng tôi luôn nỗ lực duy trì các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt ở mỗi giai đoạn trong quá trình phát triển và sản xuất thuốc – vắc xin của mình.
* Ông dự đoán vắc xin phòng sốt xuất huyết sẽ tác động như thế nào đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở các quốc gia lưu hành bệnh như Việt Nam?
– Trong thông cáo về vắc xin sốt xuất huyết của mình, WHO cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên triển khai tất cả các phương pháp phòng ngừa hiện có, bao gồm cả tiêm chủng.
Theo đó, để ngăn ngừa sốt xuất huyết hiệu quả và cải thiện sức khỏe cộng đồng, chúng ta cần thực hiện giải pháp tích hợp, bao gồm: kiểm soát vector là trung gian truyền bệnh; quản lý ca bệnh; giáo dục cộng đồng và chủng ngừa bằng vắc xin.
Đồng thời, WHO cũng xác định vắc xin sốt xuất huyết của Takeda sẽ có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng ở những khu vực có tỉ lệ truyền nhiễm cao. Việc triển khai vắc xin cần được kết hợp với một chiến lược truyền thông hiệu quả và cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Chúng tôi mong đợi rằng vắc xin sốt xuất huyết sẽ có tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt tại các quốc gia lưu hành dịch bệnh như Việt Nam. Vắc xin không chỉ bảo vệ những người chưa từng mắc sốt xuất huyết trước đây, mà còn giúp giảm số ca mắc mới ở những người đã từng nhiễm bệnh.
Hơn nữa, vắc xin còn có khả năng giảm tỉ lệ nhập viện, từ đó mang lại lợi ích kinh tế lớn bằng cách giảm gánh nặng tài chính cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và hộ gia đình, góp phần ổn định kinh tế chung..
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cũng cần thực hiện các biện pháp bổ sung để bảo vệ bản thân và người thân. Điều này sẽ góp phần tăng cường hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tăng cường hiệu quả của nỗ lực y tế công và giảm thiểu tác động của sốt xuất huyết đối với cộng đồng.
Cuối tháng 9-2024, bác sĩ Derek Wallace – chủ tịch Toàn cầu Vắc xin Takeda, và ông Dion Warren – tổng giám đốc phụ trách khu vực Ấn Độ – Đông Nam Á (I-SEA) Takeda có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, hai lãnh đạo Takeda sẽ dành thời gian làm việc và hỗ trợ các hoạt động chính thức triển khai vắc xin sốt xuất huyết của Takeda tại thị trường Việt Nam, sau khi vắc xin được Bộ Y tế cấp phép lưu hành hồi tháng 5-2024.
Hiện tại, Takeda là nhà sản xuất và nhập khẩu vắc xin duy nhất về Việt Nam.
Sự tham gia của các nhà lãnh đạo Takeda khẳng định nỗ lực không ngừng của tập đoàn trong việc tìm kiếm, cung cấp giải pháp hiệu quả để đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật tại các quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh cao như Việt Nam.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cau-chuyen-phia-sau-vac-xin-sot-xuat-huyet-dau-tien-duoc-phe-duyet-tai-viet-nam-20240925160311898.htm