Tuyến cao tốc này đang triển khai thực hiện theo 4 dự án độc lập nhưng công tác chuẩn bị đầu tư còn dang dở, trong khi nguồn vốn ngân sách trung ương đã được bố trí đủ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm. Ảnh: MPI |
Báo cáo tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ tư diễn ra chiều nay (18/12) tại tỉnh Hoà Bình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm đã báo cáo về việc tổ chức triển khai tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, đây là tuyến đường liên kết vùng vô cùng huyết mạch của Vùng Tây Bắc nhằm phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 6, tạo không gian phát triển kết nối với Thủ đô Hà Nội, tạo tiền đề để tiếp tục triển khai toàn tuyến cao tốc kết nối cửa khẩu Tây Trang, Điện Biên theo quy hoạch. Tuyến cao tốc này đang triển khai thực hiện theo 4 dự án độc lập.
Cụ thể, tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình trên địa bàn của Hà Nội và Hòa Bình dài 23 km, đã được giao tỉnh Hòa Bình quản lý và đang được điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng 6 làn xe theo hình thức đối tác công tư PPP với tổng mức đầu tư là 10.637 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương là 3.257 tỷ đồng.
Đối với tuyến Hòa Bình – Mộc Châu (km0 – km19) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 14,5 km trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh hướng tuyến của đường liên kết Vùng để thực hiện theo quy hoạch cao tốc 4 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 5.800 tỷ đồng.
Tuyến Hòa Bình – Mộc Châu (km19 – km53) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 34 km, đang được thực hiện theo hình thức đầu tư công với quy mô giai đoạn 1 là 2 làn xe, tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 8.243 tỷ đồng.
Tuyến Hòa Bình – Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Sơn La dài 32,3 km, đang được thực hiện theo hình thức đầu tư công với quy mô giai đoạn 1 là 2 làn xe, tổng mức đầu tư là 4.938 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 3.400 tỷ đồng. Dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và chưa được phê duyệt quyết định đầu tư.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn tuyến là 33.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước dự kiến bố trí là 24.000 tỷ đồng, (ngân sách trung ương hỗ trợ là 11,6 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương là 12,4 nghìn tỷ đồng) và giao cho 2 địa phương Hòa Bình, Sơn La thực hiện.
Tiến độ thực hiện dự án là trong giai đoạn 2024 – 2027, tuy nhiên, hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư còn dang dở, 3/4 dự án thành phần chưa hòan thành thủ tục phê duyệt, điều chỉnh, trong khi nguồn vốn ngân sách trung ương đã được bố trí đủ.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, các địa phương cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương triển khai 4 nội dung.
Thứ nhất, khẩn trương phê duyệt, điều chỉnh các dự án thành phần, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công để sớm khởi công trong năm 2025.
Thứ hai, bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo cam kết và tiến độ trong năm 2025, không để thiếu vốn, gây chậm tiến độ; Rà soát, đề xuất bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 để tiếp tục hoàn thành dự án.
Thứ ba, tổ chức thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Thứ tư, nghiên cứu phương án hoàn thiện các dự án theo quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch để thực hiện.
Đối với các dự án liên kết khác trong Vùng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm đề nghị các Bộ, địa phương tiếp tục sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, đã được bố trí vốn.
Nguồn: https://baodautu.vn/cap-nhat-tien-do-cac-du-an-tuyen-cao-toc-ha-noi—hoa-binh—moc-chau-d232956.html