Cụ thể, cử tri tỉnh Hà Nam phản ánh việc đường cao tốc đoạn Cầu Giẽ – Ninh Bình quy định tốc độ 120km/h nhưng mỗi chiều chỉ có 2 làn đường, mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến đông nên không đảm bảo tốc độ cho phép, thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Do đó, cử tri đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét mở rộng thêm làn trên tuyến cao tốc đoạn Cầu Giẽ – Ninh Bình đồng thời quy định tốc độ xe chạy của từng làn đường để đảm bảo an toàn giao thông.
Trả lời kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục, chiều dài 50km, tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 7/2012.
Tuyến cao tốc này sau khi đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo không gian phát triển và quỹ đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và khu vực.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm khai thác, lưu lượng giao thông đã tăng cao đặc biệt sau khi đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – QL.45…) nên việc đầu tư, mở rộng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình từ 4 làn xe lên thành 6 – 8 làn xe theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận tải là cần thiết.
Hiện nay, đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý và khai thác.
Trong 4 tuyến cao tốc do đơn vị này khai thác, quản lý gồm: Nội Bài- Lào Cai, Cầu Giẽ- Ninh Bình, Đà Nẵng- Quảng Ngãi và TP. HCM- Long Thành- Dầu Giây, tuyến Cầu Giẽ- Ninh Bình luôn có lượng xe lưu thông lớn nhất.
Cụ thể, thống kê mới nhất của VEC gửi VietNamNet vào sáng 11/1 cho thấy, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có lưu lượng phương tiện đi qua trong năm 2023 lên tới 21 triệu lượt (tăng 7,1% so với năm 2022). Trong những dịp cao điểm nghỉ lễ, Tết tại tuyến đường này vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ.
Theo VEC, nguyên nhân là do chủ phương tiện chưa nạp đủ tiền vào tài khoản thu phí ETC. Tuy nhiên, ý kiến các cử tri lại cho rằng, do lưu lượng phương tiện qua tuyến quá đông, trong khi mỗi chiều chỉ có 2 làn xe. Trước thực trạng này, VEC cho biết đang nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến.
Về phía Bộ GTVT, cơ quan này cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và UBND các tỉnh Hà Nam, Nam Định trong quá trình triển khai thực hiện.
Đối với kiến nghị quy định tốc độ xe chạy của từng làn đường cao tốc, theo Bộ GTVT, hiện nay, do đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình mỗi chiều chỉ có 2 làn xe cơ giới, việc quy định tốc độ xe chạy của từng làn đường như kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét thực hiện sau khi hoàn thành mở rộng tuyến đường.
Vào tháng 3/2023, VEC đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất chủ trương đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đoạn Đại Xuyên – Liêm Tuyền từ quy mô 4 làn lên 6 làn xe.
Dự án có chiều dài 19,7km; chiều rộng nền đường 35,5m, đạt tốc độ thiết kế 100 – 120km/giờ… với tổng vốn đầu tư 512,4 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu và vốn hợp pháp của nhà đầu tư là 274,65 tỷ đồng, phần còn lại huy động từ vốn vay thương mại. Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 11 năm.
(Nguồn: Vietnamnet)