Kể từ cuối năm 2022, lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm xuống để từ đó giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong buổi họp báo Chính phủ diễn ra trong chiều 4/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 4 lần, từ 0,5%-2% cho những mức lãi suất điều hành.
Từ đó, các ngân hàng thương mại với số liệu tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7-0,8%; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1-1,2%.
Trước đó không lâu, dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy lãi suất cho vay bình quân 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 8,9%/năm.
Tuy nhiên, hiện tại, lãi suất huy động cao nhất vẫn lên tới 11,5%, tức là cao gấp 1,3 lần lãi suất cho vay bình quân.
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) đã vượt lên tất cả để trở thành ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất toàn hệ thống. Với hợp đồng kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, người gửi tiền nhận được ưu đãi vượt trội lên đến 11,5%/năm. Ở các kỳ hạn dài khác, mức cao nhất tại PVComBank chỉ là 7,3%/năm.
Chương trình này của PVComBank chỉ áp dụng cho số dư tiền gửi mở mới đạt tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Trường hợp số dư tiền gửi dưới 2.000 tỷ đồng áp dụng lãi suất 7,20%/năm.
Ngân hàng TMCP An Bình – ABBank cũng thường xuyên ghi tên mình vào danh sách các ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất. Mức “trần” 10,9%/năm được áp dụng từ ngày 01/07/2023
Đối tượng áp dụng của chương trình này là các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên trên một khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng – lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của Tổng Giám đốc.
Đơn vị kinh doanh phải gửi thông tin để Khối Khách hàng Cá nhân trình Tổng Giám đốc xem xét phê duyệt trước khi thực hiện.
Có thể thấy, không dễ dàng gì để hưởng mức ưu đãi khủng này.
Trong khi khách hàng là giới siêu giàu được hưởng lợi ích lớn thì với khách hàng phổ thông, mức lãi suất huy động cao nhất tại ABBank chỉ là 7,1%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn 10 tháng, 11 tháng và 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM – HDBank cũng có chương trình hấp dẫn dành cho giới siêu giàu. Với khoản tiền gửi trên 300 tỷ đồng, khách hàng tại HDBank sẽ được hưởng lãi suất 8,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 9,3%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Với khách hàng phổ thông gửi tiết kiệm tại quầy, mức cao nhất chỉ là 7%/năm áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam – MSB có chính sách lãi suất huy động thấp. Theo đó, mức cao nhất khi gửi tại quầy tại MSB chỉ là 7%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng tới 36 tháng. Tuy nhiên, nếu gửi online, khách hàng được hưởng mức cao hơn là 7,4%/năm.
Chưa dừng lại ở đó, nếu tham gia chương trình “Lãi suất đặc biệt”, người gửi tiền được nhận tới 7,9%/năm. Muốn tham gia chương trình này, khách hàng phải có số tiền gửi tối thiểu 5 tỷ đồng và chỉ được mở 1 sổ tại 1 thời điểm.
Nhưng hấp dẫn hơn cả là mức lãi suất 9%/năm (kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng). Tuy nhiên, ưu đãi này cũng chỉ dành cho giới siêu giàu khi mà MSB quy định số tiền gửi phải trên 500 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Nam Á – NamABank cũng đưa ra lựa chọn rất hấp dẫn cho khách hàng. Với những khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng và kỳ hạn 36 tháng tại NamA Bank, khách hàng sẽ được nhận lãi suất 8,5%/năm Tuy nhiên, khoản tiền gửi này cũng cần được sự phê duyệt của lãnh đạo ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Đông Á – DongA Bank cũng “thủng” mốc 7%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Nghĩa là lãi suất tại ngân hàng này đang đứng ở mức rất thấp. Lãi suất trên 7% duy nhất là ở kỳ hạn 13 tháng với 7,1%/năm.
Tuy nhiên, với những khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng, lãnh lãi cuối kỳ và giá trị tiền gửi trên 500 tỷ đồng, DongA Bank áp dụng biên độ cộng lên đến 1,2%/năm. Điều đó có nghĩa mức cao nhất mà khách hàng tại DongA Bank có cơ hội nhận được sẽ là 8,3%/năm.
Ngân hàng TMCP Phương Đông – OCB cũng ưu tiên cho các khoản tiền gửi trị giá trên 50 tỷ đồng. Lãi suất áp dụng đối với các khoản tiền gửi điện tử kỳ hạn 6 tháng được cộng thêm 0,3 điểm %/năm lên 7,6%/năm và kỳ hạn 12 tháng được cộng thêm 0,1 điểm %/năm lên 7,7%/năm.