Ra đời từ thời Ấn Độ còn là thuộc địa Anh khi các đồn cảnh sát sử dụng loài chim này để liên lạc với nhau, đội chim bồ câu đưa thư của bang Odisha có hơn 100 con chim bồ câu Homer Bỉ, theo Reuters.
“Chúng tôi đã giữ những con chim bồ câu này vì giá trị di sản của chúng và để bảo tồn chúng cho các thế hệ tương lai”, Satish Kumar Gajbhiye, tổng thanh tra cảnh sát quận Cuttack (bang Odisha), nói.
Cảnh sát cho biết những con chim bồ câu Homer – loài chim có thể bay với tốc độ 55 km/h và xa tới 800 km – đã trở thành cứu tinh của họ ít nhất hai lần trong bốn thập niên qua.
Chúng đóng vai trò quan trọng khi một trận lốc xoáy mạnh tấn công các vùng ven biển vào năm 1999, phá hủy các đường dây liên lạc, cũng như khi lũ lụt tàn phá một số vùng của bang Odisha vào năm 1982.
Những con chim bồ câu thường mang theo thư từ được viết trên loại giấy làm từ hành tây rất nhẹ. Thư được nhét vào một thiết bị nhỏ buộc ở chân chim.
“Chúng tôi bắt đầu huấn luyện những con chim khi chúng được 5-6 tuần tuổi. Chúng được đặt trong cũi nhỏ và đưa vào chuồng”, ông Parshuram Nanda, người chăm sóc những con chim, nói với Reuters.
Khi lớn hơn, những con chim bồ câu được đến một nơi xa để được thả tự do và bay về nơi trú ẩn theo bản năng.
“Khoảng cách tăng dần lên, và trong vòng 10 ngày, chúng có thể quay trở lại từ nơi cách xa 30 km”, ông Nanda cho hay.
Chim bồ câu đã đưa tin về cuộc chinh phạt xứ Gallia đến thành Rome thời La Mã cổ đại, mang đến Anh tin tức về thất bại của Napoléon tại Waterloo vào đầu thế kỷ 19, và được sử dụng rộng rãi để liên lạc trong hai cuộc chiến tranh thế giới vào thế kỷ 20.
Chuyện lạ: Bầy bồ câu giúp Israel thắng trận
Song sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông hiện đại đồng nghĩa với việc chim bồ câu ở Ấn Độ ngày nay chủ yếu đóng vai trò nghi lễ trong các hoạt động của chính phủ vào các ngày lễ quốc gia như ngày Độc lập (quốc khánh) và ngày Cộng hòa, ông Gajbhiye nói.
Nhà sử học Anil Dhir, người làm việc với cảnh sát, cho biết các nghiên cứu cho thấy chim bồ câu có thể phát hiện từ trường và nhìn rõ điểm đến của chúng từ cách xa hàng nghìn cây số.
“Ngay cả trong trường hợp khó có thể xảy ra là mọi phương thức liên lạc đều bị phá hủy vào ngày mai, thì những con chim bồ câu này sẽ không bao giờ thất bại”, ông nói.