Thời điểm du lịch Cô Tô đẹp nhất là mùa hè và thu. Tháng 4 và tháng 5 lý tưởng nhất vì trời không có bão, không mưa, nắng chưa nóng. Tháng 6 và 7 phù hợp để du lịch hè nhưng thường xuyên có bão. Tháng 9 và tháng 10 cảnh đẹp nhưng trời bắt đầu lạnh, mưa nhiều hơn – điểm cộng là giá cả không đắt đỏ như mùa cao điểm.
Dù đi mùa nào, bạn nên theo dõi dự báo thời tiết trước khi khởi hành, để tránh trường hợp bị mắc kẹt dài ngày vì tàu thuyền bị cấm ra khơi khi có bão. Nếu bão bất ngờ đổ bộ khi bạn đang ở Cô Tô, hãy thực hiện theo chỉ dẫn của cơ quan chức năng địa phương, hoặc hướng dẫn viên du lịch trong trường hợp đi theo đoàn. Hãy ở trong khách sạn hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, chỉ tiếp tục hành trình khi bão tan. Nên mang theo nhiều tiền hơn kinh phí dự tính.
Để tới đảo Cô Tô, du khách sẽ phải đi theo 2 chặng:
Chặng 1: Tới cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh
Du khách từ miền Nam hoặc miền Trung sẽ đáp chuyến bay ra Hà Nội hoặc Hải Phòng, Quảng Ninh rồi đi đường bộ tới cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn.
Nếu không tự lái ôtô hoặc xe máy từ Hà Nội, bạn có thể đi xe limousine, xe khách đến Cửa Ông, Cẩm Phả tại bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát. Giá khoảng 150.000 đồng đến 200.000 một lượt. Thời gian di chuyển gần 4 tiếng.
Xuất phát từ Hải Phòng, thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng 30 phút. Giá xe limousine khoảng 150.000 đồng một lượt, xe khách khoảng 120.000 đồng một lượt.
Chặng 2: Từ cảng Cái Rồng đi tàu ra đảo Cô Tô
Hiện có 3 loại tàu là tàu cao tốc, tàu gỗ và tàu tăng cường. Du khách thường đi tàu cao tốc và tàu gỗ.
Tàu cao tốc: Thời gian di chuyển hơn một tiếng, giá vé tham khảo 250.000 đồng một lượt. Các hãng tàu gồm: Ka Long, Phúc Thịnh, Cô Tô 68, Tàu Cô Tô 01, Havaco, Nguyên Việt, Quang Minh, Mạnh Quang, Hải Vinh 89, Hoàng Quân. Giờ xuất phát từ 6h đến 17h30.
Tàu gỗ: Thời gian di chuyển gần ba tiếng, giá vé tham khảo 95.000 đồng một lượt. Giờ xuất phát chiều Vân Đồn – Cô Tô là 7h, chiều về 13h, cứ đủ khách là chạy.
Tạp chí Heritage