Khai thác tiềm năng từ nguồn tài nguyên bản địa
Khu Khu Dự trữ Sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An trải rộng trên địa bàn 9 huyện, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Nơi đây được xem là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi (Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh, duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.
Khu DTSQ Là nơi cư trú của 06 nhóm dân tộc thiểu số (Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, H’Mông và Ơ Đu) với truyền thống gắn bó mật thiết với rừng. Tuy nhiên, áp lực từ việc khai thác tài nguyên quá mức đã gây ra nhiều hệ lụy cho hệ sinh thái. Nhận thấy thực trạng đó, Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam” (dự án BR) đã triển khai hàng loạt các hoạt động và mô hình sinh kế nhằm khuyến khích cộng đồng khai thác tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững, vừa đảm bảo sinh kế vừa bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Đến nay dự án BR đã hỗ trợ xây dựng 2 vườn ươm giống cây dược liệu tại bản Xiềng Líp (xã Yên Hòa) và bản Đàng (xã Nga My) có 20 hộ dân tộc Thái trực tiếp làm vườn ươm. Hiện nay đã ươm thành công 5.000 cây Ba kích tím, 2.000 cây giống Hoài Sơn, 1.000 cây giống Giáo Cổ Lam, 3.000 cây Khôi Tía. Nhờ mô hình này, người dân địa phương không chỉ giảm chi phí mua giống mà còn có cơ hội tạo ra thu nhập từ việc bán cây giống phục vụ nhu cầu trồng cây dược liệu dưới tán rừng trong và ngoài tỉnh.
Các vườn ươm cây giống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực khai thác rừng. Việc cung cấp nguồn giống LSNG chất lượng cao giúp người dân có thể tự trồng và khai thác bền vững, thay vì phụ thuộc vào việc khai thác tự nhiên. Đây là cách làm thông minh để vừa đảm bảo nguồn thu nhập lâu dài, vừa giữ gìn tài nguyên quý giá cho các thế hệ tương lai.
Vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn tài nguyên
Ngoài việc cung cấp cây giống, Dự án BR còn triển khai các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao như Chè hoa vàng, Bon bo, cây Lùng, cây bảy lá 1 hoa, cây khoai sọ, cây Hương bài và cây Mét tại các xã vùng đệm Đồng Văn, Thông Thụ (huyện Quế Phong); xã Tam Quang, Tam Hợp, Lưu Kiền (huyện Tương Dương); xã Châu khê (huyện Con Cuông) và các mô hình sinh kế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt huyện Quế Phong.
Điển hình có tới 421 lượt hộ gia đình tham gia. Khoanh nuôi, bảo vệ, trồng bổ sung, khai thác bền vững 1.489,0 ha rừng Lùng. Bảo tồn, phát triển, khai thác bền vững cây Chè Hoa Vàng Quế Phong gắn với bảo vệ rừng diện tích 135,3 ha. Bảo tồn và phát triển cây Bon bo gắn với bảo vệ rừng, làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt, diện tích 92,6 ha …
Mô hình sinh kế của dự án BR vẫn đối mặt với một số thách thức như quy mô triển khai còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của người dân, việc thương mại hóa sản phẩm từ các mô hình như Chè hoa vàng hay cây Mét vẫn còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng thị trường … Để giải quyết những thách thức này, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các cấp chính quyền và tổ chức liên quan.
Trong thời gian tới, chính quyền địa phương và các bên liên quan cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của miền Tây Nghệ An, và liên kết với thị trường tiêu thụ là những bước đi cần thiết để tối ưu hóa hiệu quả của các mô hình sinh kế. Tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của bảo tồn trong phát triển kinh tế. Các mô hình sinh kế của Dự án BR tại Khu DTSQ đã chứng minh rằng bảo tồn thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/canh-cua-mo-ra-nguon-thu-nhap-ben-vung-cho-nguoi-dan-mien-tay-nghe-an.html