Ca viêm não Nhật Bản do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xác nhận mới đây nhất là bé trai 8 tuổi ở H.Chương Mỹ (Hà Nội).
Bệnh nhi này xuất hiện triệu chứng sốt cao, co giật, nôn, lơ mơ hôm 18.9, được đưa đến Bệnh viện Nhi T.Ư ngày 19.9. Kết quả xét nghiệm ngày 29.9 cho thấy, bé trai dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản là một bé trai 5 tuổi ở H.Phúc Thọ.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản (giảm 50% so với cùng kỳ 2022).
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.
Đây là bệnh do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Virus này xuất hiện ở các loài gia súc. Muỗi đốt các loài động vật mang virus, sau đó đốt sang người sẽ truyền virus viêm não Nhật Bản.
Nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người quan trọng nhất là lợn do dễ bị nhiễm virus và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra, một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của virus.
Muỗi truyền viêm não Nhật Bản là muỗi Culex (khác với muỗi Aedes aegypti, còn gọi là muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết) có thói quen hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du và là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.
Muỗi thường bay đi hút máu súc vật hoặc máu người vào lúc chập tối. Muỗi sinh sản và phát triển nhiều vào mùa có nắng nóng, mưa nhiều.
Viêm não Nhật Bản có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 – 8 tuổi. Đây được xem là một trong những bệnh diễn biến cấp tính, nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25 – 35%). Di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động.
Nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ như sốt, đau đầu, buồn nôn, đặc biệt với trẻ có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức, cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng.