(CLO) Tổng thống Mỹ Donald Trump dù đã tạm thời dừng việc áp đặt thuế quan 25% với Mexico và Canada, song hoàn toàn có thể khởi động lại bất cứ lúc nào. Trong khi đó, chính sách áp thêm 10% thuế với hàng hóa Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực.
Các mức thuế nhập khẩu này sẽ là phép thử đối với chiến lược kinh tế của ông Trump, một chiến lược mà ông cho là "công cụ tuyệt vời nhất từng được phát minh".
Việc áp dụng mức thuế quan mạnh mẽ này có thể là canh bạc lớn nhất mà ông Trump thực hiện trong suốt 4 năm tại Nhà Trắng, với nguy cơ đảo lộn nền kinh tế, tác động trực tiếp đến chi phí sinh hoạt và làm tăng áp lực lạm phát.
Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng các mức thuế này có thể làm tăng giá tại các cửa hàng tạp hóa, khiến thị trường chứng khoán bất ổn và có thể dẫn đến mất việc làm trong cuộc chiến thương mại toàn diện.
Ngay sau khi mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào hôm nay (4/2), Trung Quốc đã đáp trả mạnh mẽ khi áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Trong đó, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết họ sẽ áp thuế 15% đối với than và LNG của Hoa Kỳ và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô.
Thuế quan: Công cụ đàm phán hay rủi ro kinh tế?
Ông Trump đã luôn coi thuế quan như một công cụ đàm phán hiệu quả, có thể giúp ông đạt được mục tiêu giải quyết các vấn đề như thâm hụt thương mại, nhập cư trái phép và buôn lậu ma túy.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng trong nhiệm kỳ đầu, thuế quan chủ yếu được áp dụng đối với các quốc gia khác và không gây ra tình trạng lạm phát nghiêm trọng. Nhưng lần này, mức thuế quan cao hơn nhiều và áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế đã thay đổi đáng kể với chi phí sinh hoạt cao hơn.
Ông Trump đã áp dụng thuế quan đối với 1,4 nghìn tỷ USD hàng hóa nhập khẩu, cao gấp ba lần so với mức thuế trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc tác động đến nền kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều, trong khi giá cả đang tăng cao và người tiêu dùng cũng nhạy cảm hơn với việc tăng giá.
Một trong những lo ngại lớn nhất là thuế quan có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến giá cả leo thang, đặc biệt trong các ngành công nghiệp như ô tô và thực phẩm.
Các bộ phận ô tô thường xuyên phải vượt biên giới nhiều lần trước khi xe được bán ra thị trường, và mức thuế quan cao có thể làm tăng giá xe lên đến 3.000 USD.
Liệu các mặt hàng sẽ tăng giá ngay lập tức?
Các chuyên gia dự đoán rằng giá hàng hóa sẽ không tăng ngay lập tức, nhưng sẽ dần dần leo thang trong suốt chuỗi cung ứng.
Chuyên gia Mary Lovely cho biết người tiêu dùng sẽ cảm nhận được sự thay đổi này chậm rãi, từ các cửa hàng tạp hóa cho đến các cửa hàng vật liệu xây dựng. Việc tăng giá không thể tránh khỏi nếu thuế quan được áp dụng.
Thuế quan cũng có thể gây tổn hại đến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư, dẫn đến lo ngại về sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế.
Theo dự báo của các nhà kinh tế, các mức thuế quan này có thể làm giảm tăng trưởng GDP của Mỹ từ 1,5 đến 2,1 điểm phần trăm trong những năm tới, tạo ra cú sốc đình lạm có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính.
Một yếu tố quan trọng là cách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phản ứng với mức thuế quan này. Nếu thuế quan thúc đẩy kỳ vọng lạm phát, FED có thể sẽ không giảm lãi suất như kỳ vọng, điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Việc áp dụng mức thuế quan mạnh mẽ như vậy là một chiến lược mạo hiểm, và nếu mọi chuyện không suôn sẻ, nó có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Các chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Trump đang "đùa với lửa" khi thực hiện bước đi này.
Ngọc Ánh (theo 9news, CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/canh-bac-thue-quan-14-nghin-ty-usd-cua-ong-trump-va-moi-rui-ro-voi-nen-kinh-te-my-post332795.html
Bình luận (0)