Diễn biến cuộc đua giành vị trí Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn còn là một bí ẩn khi không có ứng viên tiềm năng nào dẫn đầu với khoảng cách cách biệt.
Quá trình ra quyết định của NATO về người sẽ lãnh đạo tổ chức này dựa trên nguyên tắc đồng thuận. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 20/6, khi được hỏi về vai trò Tổng thư ký NATO, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington không đề cử ứng cử viên cụ thể nào cho vị trí này.
Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Anh James Cleverly ở London, ông Blinken nói: “Chúng tôi không thúc đẩy, đề bạt bất kỳ ứng cử viên cụ thể nào. Chúng tôi đang tham vấn rất chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để xác định hướng đi mà chúng tôi muốn với NATO và ban lãnh đạo của tổ chức này”.
Châu Âu và NATO vẫn đang cạnh tranh nội bộ để tìm người kế nhiệm Tổng thư ký NATO đương nhiệm Jens Stoltenberg. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 9 năm, ông Stoltenberg sẽ từ chức vào tháng 9, để lại một khoảng trống quyền lực làm dấy lên nhiều đồn đoán về người kế nhiệm tương lai.
Cuộc cạnh tranh để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của NATO đang hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, diễn biến cuộc đua vẫn còn là một bí ẩn khi không có ứng viên tiềm năng nào dẫn đầu với khoảng cách cách biệt. Nhiều thành viên liên minh này hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề kế nhiệm tại Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Lithuania vào tháng 7 tiwus.
Quá trình ra quyết định của NATO về người sẽ lãnh đạo tổ chức này dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Nguyên tắc không bao gồm tổ chức biểu quyết mà các thành viên sẽ tham gia thảo luận và tham vấn cho đến khi đạt được sự đồng thuận từ tất cả các thành viên.
Tuy nhiên, sức mạnh quyền lực do Mỹ, Anh, Pháp và Đức nắm giữ dường như vẫn đóng một vai trò quyết định trong việc ai sẽ trở thành lãnh đạo NATO.
Tân tổng thư ký NATO sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức, trong đó vừa phải củng cố hỗ trợ cho Ukraine đồng thời ngăn chặn các sự cố có thể leo thang thành xung đột trực tiếp với Nga.
Trong số ít những cái tên ứng viên nổi bật cho vị trí Tổng thư ký NATO gần đây, đáng chú ý là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.