Đây là nội dung chính được nhiều đại biểu đồng tình và nhấn mạnh tại Hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng”, diễn ra ngày 29/6 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam phát biểu tai Hội thảo. (Nguồn: VBA) |
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam là một ngành kinh tế kỹ thuật có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, mỗi năm, toàn ngành đóng góp khoảng 60 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, giải quyết trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đồ uống nói chung bao gồm bia, rượu, nước giải khát và đồ uống có cồn nói riêng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, vừa mang tính thiết yếu, vừa gắn liền với những đặc trưng văn hóa. Từ khi đổi mới và hội nhập, kinh tế tăng trưởng, đời sống người dân được cải thiện, khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam gia tăng, ngành đồ uống phát triển mạnh, với những sản phẩm có thương hiệu, phong phú, đẩy lùi hàng nhập lậu và góp phần vào giá trị xuất khẩu, với tổng giá trị sản xuất lớn, đem lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế và xã hội.
Đồng thời, ngành Đồ uống thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng, bao gồm nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ. Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau Covid-19, ngành là nhân tố quan trọng để phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch. Các doanh nghiệp tiêu biểu thuộc ngành đều quan tâm đến hoạt động vì cộng đồng, phát triển bền vững. Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền uống có trách nhiệm; tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm, giảm phát thải khí nhà kính… được quan tâm, đầu tư.,
Chia sẻ ở góc nhìn văn hoá, nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội 4 khóa cho rằng, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, văn hóa uống cũng rất quan trọng. Vấn đề này thậm chí từng được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, nhằm kiểm soát, nâng cao văn hóa uống, xây dựng trách nhiệm tới người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi, tránh lạm dụng, chấp hành tốt quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, hạn chế được tình trạng tai nạn giao thông và các hệ lụy trong gia đình, xã hội.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA). (Nguồn: VBA) |
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhấn mạnh, xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm còn là một cách thức giúp quảng bá, nâng cao hình ảnh quốc gia.
Theo ông Việt, ở Việt Nam, bia được người Pháp mang đến từ thế kỷ thứ 19, bia Sài Gòn (1875) và bia Hà Nội (1890). Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và cả những năm bao cấp do thiếu nguyên liệu, malt đại mạch nguyên liệu chính trong sản xuất bia phải nhập từ nước ngoài, bia chỉ sản xuất được với một lượng nhỏ, và chỉ được phân phối cho các cơ quan nhà nước và cửa hàng mậu dịch, phải xếp hàng mua bia.
Vào những năm cuối của thập niên 90, do sản xuất không đủ nhu cầu nên bia Vạn Lực tràn ngập thị trường. Ngành sản xuất bia chỉ phát triển từ khi nhà nước có chính sách mở cửa nền kinh tế. Các nhà máy bia được đầu tư chiều sâu và nâng công suất, đồng thời nhiều hãng bia lớn trên thế giới đã vào Việt Nam với các tên tuổi lớn của quốc tế.
“Các thương hiệu bia trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sản xuất bia tại Việt Nam có công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tự động hóa, cho ra đời những sản phẩm có chất lượng cao, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu tới một số quốc gia trên thế giới… Các thức uống này đã trở thành thương hiệu quốc gia được sử dụng trong các buổi yến tiệc, tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, tiếp đón khách quý.
Qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá nét văn hóa ẩm thực của quốc gia tới đông đảo du khách quốc tế. Sản phẩm rượu, bia không chỉ là thức uống gắn liền với văn hóa, mà còn có những lợi ích đối với sức khoẻ nếu được sử dụng hợp lý với mức độ vừa phải và ý thức có trách nhiệm”, ông Việt dẫn chứng.
Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hiện nay, ngành Đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn trong bối cảnh mới. Nhiều quy định quản lý chưa phù hợp, có nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất, kinh doanh trong ngành và những hệ lụy đối với xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng”. (Nguồn: VBA) |
Năm 2023 được dự báo ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành Đồ uống. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, phát triển, các doanh nghiệp trong ngành Đồ uống mong muốn Nhà nước chưa nên xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Trước những thách thức, khó khăn trong năm 2023, các doanh nghiệp Đồ uống mong muốn Nhà nước ổn định chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm hồ sơ giấy tiến tới áp dụng hải quan online toàn phần, linh hoạt trong các chính sách tín dụng, lãi suất ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, đại diện VBA kiến nghị.