Thận trọng khi giao dịch
Huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là thủ phủ sầu riêng của cả nước với gần 7.200ha sầu riêng trong đó, có hơn 4.000ha kinh doanh. Bình quân mỗi năm, doanh thu từ sầu riêng toàn huyện đạt hơn 5.000 tỉ đồng. Niên vụ năm 2024, huyện này dự kiến đạt hơn 80.000 tấn.
Anh Phạm Văn Cường (huyện Krông Pắk) – cho biết: Gia đình anh có tổng cộng tới 4ha sầu riêng đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 40 tấn. Nếu thương lái có nhu cầu vào vườn cắt sầu riêng để bán trong đợt này thì phải đặt cọc trước khoảng 800 triệu đồng. “Việc làm ăn phải giữ chữ tín, yêu cầu đặt cọc trước giúp tôi tránh được cảnh bị “bom” hàng như những năm trước” – anh Cường cho biết thêm.
Anh Phan Thành Nghĩa, một thương lái thu mua nông sản ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, đã buôn bán nông sản được 5 năm nay và đã nếm nhiều cay đắng. Có đợt, anh đã vay 5 tỉ đồng để đi thu mua sầu riêng tại vườn của nông dân để bán cho đại lý.
“Trước đó, dù đã ký kết hợp đồng đặt cọc, giao hàng với thời gian, giá cả, số lượng rõ ràng nhưng đến hạn giao hàng thì doanh nghiệp trở mặt. Chủ đại lý chỉ chấp nhận thu mua sầu riêng của tôi với giá ngang hoặc thấp hơn khi lấy ở vườn. Vì đuối lý, không đọc kỹ hợp đồng, nên tôi chấp nhận tốn bao công sức, bán cho xong để thu hồi được đống vốn nào thì hay đồng đó” – anh Nghĩa kể.
Rút kinh nghiệm, vụ mùa năm 2024, anh Nghĩa thuê hẳn một luật sư để đi ký kết hợp đồng với chủ đại lý thu mua để tránh rủi ro về mặt pháp lý sau này. Đến vườn nông dân đặt cọc tiền, sau khoảng 4 ngày, anh Nghĩa cho người cắt sầu riêng để bán ngay nhằm tối ưu lợi nhuận, tránh rủi ro không đáng có.
Nên đầu tư chất lượng thay vì chạy theo số lượng
Thực tế, với diện tích cây sầu riêng tăng nhanh chóng, thiếu kiểm soát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nông dân. Hơn 5 năm tới, diện tích sầu riêng đi vào chu kỳ kinh doanh rất lớn, nguy cơ cao xảy ra tình trạng cung vượt cầu tại địa phương.
Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận bà con nông dân không tuân thủ quy chuẩn trong canh tác sầu riêng. Trong đó, phổ biến là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo khuyến cáo, quy trình thu hoạch, đóng gói, bảo quản không bảo đảm, không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nước nhập khẩu. Những việc này sẽ hạn chế đầu ra của sầu riêng và gây mất uy tín của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, địa phương đã được cấp 266 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 7.292ha. Trong đó, có 68 mã số vùng trồng với diện tích 2.521ha đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 198 vùng trồng với diện tích 4.771ha đang chờ phê duyệt.
Trong 68 mã số vùng trồng được phê duyệt hầu hết do các tổ chức như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đứng tên đại diện, duy nhất chỉ có một vùng trồng do cá nhân đại diện. Về cơ sở đóng gói, tỉnh Đắk Lắk có 23 cơ sở được cấp mã. Dự báo năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk đạt 34.000 – 35.000ha, sản lượng dự kiến ước đạt trên 300.000 tấn.
Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk – cho rằng, thay vì phát triển “nóng”, tăng diện tích, sản lượng sầu riêng, bà con nông dân nên tập trung cải thiện chất lượng cây trồng.
Hiện, tỉnh đã xác định được vùng lõi tập trung trồng sầu riêng ở 7 huyện, thị xã những khu vực ngoài quy hoạch bà con không nên phát triển loại nông sản này. Bởi lẽ, cây sầu riêng rất mẫn cảm với thời tiết, chi phí đầu tư lớn nên chỉ cần biến cố nhỏ cũng rất dễ thua lỗ. Người dân phải đặc biệt chú trọng vào dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu để tránh gây ảnh hưởng đến uy tín nông sản của địa phương.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/can-trong-khi-mua-ban-sau-rieng-1373703.ldo